Chờ xuân

07/02/2019 - 14:22

Tết đến xuân về, khoảnh khắc giao mùa đầy thiêng liêng lại dường như đang dần trở thành nỗi sợ 'đến hẹn lại lên'. Có lẽ nhiều người trẻ tuổi như tôi muốn trốn tránh nhiều hơn là chờ mong.

Gọi là nỗi sợ là bởi trước khi bắt đầu kì nghỉ dài nhất trong năm, ngoài việc phải hoàn thành “núi công việc” mang tên cuối năm thì ai cũng phải “khéo co, vừa kéo” để có một cái Tết đầy đủ, tươm tất nhất theo đúng truyền thống từ lúc lọt lòng đến khi trưởng thành đã được trải qua.

Thế rồi nỗi sợ hãi ấy chuyển thành những mệt mỏi thực sự khi phải chạy đôn đáo, luôn chân luôn tay làm đủ thứ việc trong những ngày nghỉ mà đáng ra phải được thư giãn, thảnh thơi.

Nhưng như thế chưa phải là đã hết, Tết thực sự đáng sợ khi phải đối mặt với những câu hỏi đầy riêng tư và nhạy cảm đến từ những họ hàng, người quen khi những vấn đề tế nhị trở thành câu chuyện làm quà trong buổi gặp mặt chúc Tết. Những câu hỏi khiến người bị hỏi cảm thấy lúng túng, cười trừ cho qua vì ngán ngẩm lặp lại liên tục trong 3 ngày đầu xuân.

Đối mặt với nỗi sợ hãi có vẻ hài hước này, tôi lại nổi lên mong ước có cỗ máy thời gian của chú mèo máy trong cuốn truyện ngày bé hay đọc để quay ngược về quá khứ, đón những ngày Tết dù có khó khăn, thiếu thốn nhưng thực sự vui vẻ và an yên.

Ảnh minh họa từ internet

Ngày ấy, Tết với những đứa trẻ con nông thôn ngoại thành như tôi đơn giản chỉ là bữa cơm nhiều thịt hơn bình thường, dù đa phần là nhiều mỡ ít nạc nhưng cũng đủ để ngất ngây, hăng hái cả ngày.

Tết là những nụ cười khi được manh áo mới, hay cả ngày đếm đi đếm lại gia tài nhỏ là vài đồng tiền lẻ được mừng tuổi chỉ đủ để mua vài món quà vặt cho bàn thân khi đi học lại sau kì nghỉ. Tết là những ngày chạy quanh làng, bổ con quay, đánh khăng, đá bóng đến nhễ nhại mồ hôi với chúng bạn. Những ngày ấy lại là những ngày Tết vui nhất, đẹp nhất chứ không phải là những ngày chỉ muốn ở yên một chỗ như hiện tại.

Thế nhưng hiện thực vẫn là hiện thực, Tết vẫn đến và nỗi sợ hãi, lo lắng vẫn phải đối mặt. Tuy rằng sợ nhưng có lẽ giống như vài năm trước, tôi vẫn vượt qua Tết một cách hoàn hảo nhất có thể. Đến đêm 30, mọi thứ cần cho Tết cũng đã đầy đủ, nhà cửa tinh tươm, những thứ chuẩn bị cầu mong một năm mới thịnh vượng, sum vầy đã có mặt tại nhà để chào đón một mùa mới căng tràn sức sống.

Nói Tết là nỗi sợ hãi chắc hẳn nhiều người sẽ cho rằng hơi quá mà thú thật tôi cũng thấy có chút như vậy. Bởi lẽ trong lúc đôn đáo, ngược xuôi chuẩn bị cho Tết thì trong lòng vẫn len lỏi chút yêu đời, niềm chờ mong về một năm mới đủ đầy, an khang thịnh vượng đến với gia đình. Ngồi chuẩn bị cho Tết mới có thời gian nghĩ về một năm qua với những thành công hay trái đắng khiến bản thân thêm trưởng thành, sương gió.

Bữa cơm tất niên, chương trình Táo quân trở thành nếp nhà quen thuộc trong buổi tối cuối cùng của năm cũ. Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng bên tiếng trống dồn dập ở đền làng. Những mâm lễ tươm tất dâng lên Thành hoàng làng cầu mong một năm mới đủ đầy, an khang đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong trí nhớ. Với tôi thế mới là Tết nhưng để đến được khoảnh khắc yên bình ấy là phải trải qua trăm thứ việc có tên lẫn không tên.

Ngẫm lại, Tết cũng giống như cuộc đời thu nhỏ, có khó khăn, lận đận mới trân quý những phút giây an ổn, dung dị bên gia đình và bạn bè. Dẫu có sợ hay ngại Tết nhưng sâu thẳm trong tâm hồn của nhiều người vẫn mong chờ về một năm mới an yên, thịnh vượng được báo hiệu bằng tiếng gió xuân thổi trong khoảnh khắc giao mùa ý nghĩa.

Theo NHÂN VĂN (Người Đưa tin)