Chốn đất lành

07/08/2018 - 08:23

Rời quê, xa nơi chôn nhau cắt rốn, đến mảnh đất Long An lập nghiệp, mấy chục năm trôi qua, đa số những hộ dân di cư ngày nào giờ đã ổn định cuộc sống trên vùng đất mới... Vùng đất Hưng Hà, huyện Tân Hưng, xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ và xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa trở thành quê hương thứ 2 của những người xa xứ. Kẻ Bắc, người Nam nhưng khi đến vùng đất mới, tất cả như anh em một nhà cùng chia sẻ khó khăn, góp sức xây dựng quê hương.

A A

Ấp Hà Thanh - 1 trong 3 ấp có số người từ nơi khác đến đây sinh sống nhiều nhất của xã Hưng Hà, được công nhận ấp văn hóa

Nhớ ngày ly hương

Cuộc sống quê nhà khó khăn, năm 1991, gia đình ông Nguyễn Đình Quai (65 tuổi) rời Bắc Ninh, đến Đồng Tháp Mười theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới. Ông chọn mảnh đất biên giới Hưng Hà, huyện Tân Hưng làm nơi lập nghiệp. “Không riêng gia đình tôi, năm đó, huyện Gia Nương, tỉnh Hà Bắc (bây giờ là huyện Nương Tài, tỉnh Bắc Ninh) có 46 hộ di cư vào đây xây dựng kinh tế mới. Hành trang mang theo chẳng có gì ngoài ý chí và hy vọng cuộc sống tươi đẹp hơn” - ông Quai nhớ lại.

Ngày mới đến Hưng Hà, người dân dựng nhà cặp kênh Sông Trăng. Gia đình ông Quai được cấp 6 tháng lương thực, 1,6ha đất sản xuất và một số dụng cụ làm nông, vật dụng cần thiết dùng trong sinh hoạt gia đình. “Thế là, chúng tôi bắt đầu “khởi nghiệp” trên vùng đất mới cho đến tận hôm nay” - ông Quai nói.

Xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ cũng là vùng “đất lành chim đậu” của những người di cư đến xây dựng cuộc sống mới. Năm 1991, 3 anh em ông Lê Xuân Trần (44 tuổi), rời quê nhà Hải Dương vào Bình Hòa Bắc lập nghiệp. Lúc đó, vùng đất này toàn cỏ hoang và rừng tràm. Được cấp 1ha đất sản xuất và 1.500m2 đất ở nhưng ông Trần không khỏi ngao ngán. Tuy nhiên, nghĩ đến những ngày khó khăn ở quê, nhà đông anh em lại ít ruộng đất sản xuất nên anh em ông quyết tâm bám trụ, chinh phục vùng đất khó. Ông Trần chia sẻ: “Là nông dân, có nhiều ruộng đất sản xuất là vui rồi! Vì vậy, dù điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi tin, chí thú khai phá và làm ăn sẽ giúp gia đình “đổi đời””.

Như anh em một nhà

Mỗi ngày, cứ 2 buổi sáng, chiều, một vài người dân ấp Hà Tân, xã Hưng Hà lại ngồi trò chuyện cùng nhau. Bên chung trà Bắc, xen kẽ câu chuyện ruộng vườn, đời sống là ký ức về những ngày đầu đi xây dựng vùng kinh tế mới. Khổ cực, sướng vui đều trải qua nhưng đáng quý nhất là sự “chia ngọt, sẻ bùi” của những người con xa xứ. “Hồi mới vào Hưng Hà, ruộng đất còn nhiễm phèn nên chưa canh tác được. Vì thế, nhà nào thiếu gạo ăn thì những gia đình khác dùng số lương thực được cấp để san sẻ” - ông Quai kể lại.

Lâu ngày, tình cảm xóm giềng càng gắn bó! Không chỉ với những người từ miền Bắc vào, sau này, khi có thêm những hộ từ miền Tây đến đây sinh sống, làm ruộng, họ vẫn xem nhau như người một nhà. Nhà ai có hữu sự, mọi người trong xóm đều đến giúp. Nhà anh Đỗ Đình Khương (ấp Hà Tân) bị cháy, hàng xóm cùng đến động viên, giúp anh dựng lại căn nhà để ở. Nghĩa tình của những người xa xứ là như thế!

Đến xã Bình Hòa Bắc, những hộ dân di cư từ tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long,... chủ yếu sống ở ấp 2 và ấp 4. Thời gian đầu sống cùng một xóm, vì phong tục, tập quán, giọng nói vùng, miền khác biệt nên đôi lúc, mọi người chưa hiểu nhau. Qua thời gian, người Bắc học những điều hay của người Nam và ngược lại để cùng nhau dung hòa, dựng xây cuộc sống mới. “Bây giờ, chúng tôi nói từ địa phương, người miền Tây vẫn hiểu. Ngược lại, bà con ở Đồng Tháp, Bến Tre nói, chúng tôi nghe được hết. Vì vậy, mỗi khi có đám giỗ, đám cưới,... mọi người đều qua lại vui vẻ với nhau” - ông Trần nói vui.

Những gia đình đồng bào Khmer ở ấp 2, xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa dần an cư, lạc nghiệp sau nhiều năm ly hương

Tình nghĩa xóm giềng tương thân tương ái ngày càng thắt chặt. Khoảng sân trước nhà có trồng vài luống rau muống, mồng tơi, cứ vài ngày, bà Nguyễn Thị Thư (quê Quảng Trị), ngụ ấp 2, xã Bình Hòa Hưng, lại cắt một ít mang sang cho hàng xóm. “Bà con xa không bằng láng giềng gần! Xóm giềng phải sống gắn bó, gần gũi với nhau. Những lần chồng tôi bệnh, hàng xóm đều đến nhà giúp đưa đi bệnh viện. Mấy mươi năm về đây lập nghiệp, bà con lối xóm thân thuộc như người thân trong nhà” - bà Thư bộc bạch.

Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm

Nép mình bên dòng kênh Bo Bo, ấp 2, xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, 13 gia đình đồng bào Khmer dần an cư, lạc nghiệp sau nhiều năm ly hương. Tất cả đều xem Tân Lập là quê hương thứ 2 của mình! Ngồi trong gian nhà nhỏ, ông Sơn Huyền nhớ lại những ngày rời Trà Vinh đến đây lập nghiệp vào năm 1999. Cả nhà dựng căn chòi lá trên đất nông trường ở tạm để làm thuê, làm mướn. Năm 2005, ông được tạo điều kiện vay vốn mua nền, xây nhà trên tuyến dân cư. “Không chỉ có nơi ở ổn định, gia đình tôi còn có hộ khẩu, các con được đến trường học hành” - ông Sơn Huyền chia sẻ. Theo lãnh đạo địa phương, đa số gia đình đồng bào Khmer đều là gia đình văn hóa, tham gia các tổ chức, đoàn thể. Cuộc sống của các gia đình tuy còn khó khăn nhưng khi vận động đóng góp các loại quỹ, đa số đều chấp hành tốt.

Nhìn con đường nhựa chạy qua trước nhà, ông Lê Xuân Trần vui mừng trước sự đổi thay của quê hương. So với 27 năm trước, bây giờ, đời sống người dân được nâng cao. Lúc mới đến Bình Hòa Bắc, 70% người di cư bỏ đi nơi khác vì điều kiện nơi đây khó khăn, đường đi lại không có, sản xuất chẳng được, phải làm thuê, làm mướn kiếm sống. Năm 1997, kênh Nông Trường, T2, T4,... được cải tạo, nông dân có thể trồng lúa nhưng năng suất chỉ đạt 3 tấn/ha. Còn bây giờ, mỗi năm sản xuất được 2 vụ, năng suất 10 tấn/vụ.

“Năm 1993, Đường tỉnh 839 hình thành, lúc đầu là đường đất, sau này trải sỏi và tráng nhựa. Hệ thống đường giao thông xóm, ấp cũng dần hành thành, người dân rất phấn khởi. Khi có chủ trương mở rộng Đường tỉnh 839, gia đình tôi hiến 80m2đất thổ cư. Có điện, đường, trường, trạm, đời sống người dân ngày càng được nâng chất, ổn định, có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương” - ông Trần tâm tình.

Còn ông Đỗ Đình Quý, sau 20 năm lập nghiệp xa xứ đã trở thành một trong những hộ giàu của xã Hưng Hà. “Trái ngọt” hôm nay là kết quả của những ngày gian nan mưu sinh trên vùng đất mới. Ông Quý kể: “Những ngày đầu đến đây lập nghiệp, cả nhà sống trên chiếc ghe. Dù làm thuê, làm mướn nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng cho con đến trường. 2 năm sau, tôi mua đất, cất nhà và mua 1ha đất sản xuất. Tuy nhiên, đất đai lúc ấy còn cằn cỗi, lúa bị chuột cắn phá nên năng suất chỉ đạt 5-6 tấn/vụ. Nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi và gia đình ra sức cải tạo ruộng đồng, năng suất hiện đạt 10 tấn/ha”.

Người dân, trong đó có những hộ dân di cư của ấp Hà Long cùng nhau đóng góp xây dựng cây cầu bắc qua kênh Sông Trăng để đi lại thuận lợi hơn

Bây giờ, người dân Hưng Hà không còn đi lại bằng xuồng như trước bởi hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư, mở rộng; điện cũng về thắp sáng cả một vùng quê. Những đổi thay hôm nay có sự đóng góp rất lớn của người dân, trong đó có những hộ từ nơi khác đến đây lập nghiệp. Năm 2017, người dân 3 ấp Hà Tân, Hà Long, Hà Thanh đóng góp 300 triệu đồng xây dựng cầu bắc qua Sông Trăng để đi lại thuận tiện hơn. Ngoài ra, đóng góp gần 200 triệu đồng xây dựng trạm cấp nước KT9 phục vụ nước sạch cho gần 700 hộ dân của 3 ấp. “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” là như thế!

Không còn khó khăn như những ngày đầu đặt chân đến vùng đất lạ người xa, bây giờ, đời sống của các hộ di cư được ổn định. Chốn đất lành như quê hương thứ 2 giàu tình yêu thương. Bởi, nơi đó có những mối thâm tình như keo sơn và mang đến một cuộc sống ổn định trên vùng đất khó!

Theo THÙY VY (Báo Long An)