Chọn lọc thông tin trong kỷ nguyên số

29/03/2018 - 06:56

 - Mạng xã hội (MXH) là nơi để tìm kiếm thông tin nhanh nhất. Tuy có đủ các loại thông tin nhưng thật, giả hầu như lẫn lộn, có cả sự bịa đặt hay vu khống. Vấn đề đặt ra là phải hết sức thận trọng khi tiếp nhận thông tin và phải biết chọn lọc thông tin qua MXH.

Bước vào thời kỳ kỷ nguyên số, sự bùng nổ của Internet, các trang MXH ngày càng có nhiều lượt truy cập, chia sẻ thì việc có kẻ xấu lợi dụng MXH để truyền bá thông tin sai sự thật, thậm chí xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước không phải là ít. Có thể khẳng định, MXH phát triển mang lại nhiều lợi ích tích cực cho XH. Đây là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập.

Song, việc gì cũng có mặt trái của nó, nếu không đủ bản lĩnh phán đoán sự việc, rất có thể sẽ bị lợi dụng trước những thông tin sai sự thật, thông tin nhằm đánh lừa dư luận vì mục đích cá nhân.

Một trong những trang MXH được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhất thế giới là Facebook. Đó là nơi tổng hợp tất cả thông tin. Chỉ bằng cái nhấp chuột chia sẻ, hoặc “thích”, bất cứ thông tin gì người dùng vừa truy cập đều được truyền đi nhanh chóng. Nếu biết khai thác, tận dụng thế mạnh của Facebook, rất có lợi cho người sử dụng.

Hãy chọn lọc thông tin trước khi chia sẻ

“Nếu muốn học nấu ăn, làm bánh hay thêu… chẳng cần tìm kiếm đâu xa, chỉ cần lướt Facebook một chút là đã thấy tất cả thông tin. Đó có thể là đường link mọi người chia sẻ, thậm chí nhiều người tự quay video clip lúc nấu ăn rồi đăng lên để mọi người tham khảo. đây là điểm rất hay. Chưa hết, tôi có thể học cách nuôi dạy con, hay chia sẻ buồn vui cùng bạn bè dẫu không có thời gian gặp mặt.

Bên cạnh những thông tin bổ ích thì Facebook vẫn nhan nhãn những tin vịt, tin nhảm. Mỗi lần nhìn thấy, tôi đều xóa hoặc hủy kết bạn. Đó là cách để tôi chọn lọc thông tin khi dùng MXH hiện nay”- chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Dù cảnh giác như thế nhưng chị Hồng vẫn bị lừa trên trang cá nhân của mình. Cụ thể, chị đặt mua hàng ở 1 địa chỉ Facebook theo linh cảm bản thân là đáng tin cậy. Để nhận được hàng, chị phải thanh toán qua thẻ với số tiền là 750.000 đồng.

Thấy hàng đẹp, giá mềm, nhiều người vào mua nên chị Hồng yên tâm giao tiền trước. Sau 3 ngày hẹn giao hàng, chị Hồng vẫn không thấy, đợi đến ngày thứ 5 nhắn tin hỏi, chủ tài khoản đó đã chặn Facebook của chị.

Lúc này, chị Hồng mới ngậm ngùi biết mình vừa rơi vào bẫy mua hàng lừa đảo. “Số tiền mất tuy không nhiều nhưng là bài học đáng nhớ cho tôi khi kết bạn và mua hàng qua mạng” - chị Hồng thật tình cho biết.

Với người trưởng thành, việc chọn lọc thông tin trên MXH đã không dễ, với lứa tuổi học sinh thì càng khó hơn. Vậy nên, sự định hướng, giáo dục cụ thể từ nhà trường luôn là vấn đề được quan tâm.

Không giấu được lợi ích khi tham gia Facebook, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu) Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết: “Thông qua Facebook, tôi nắm cụ thể tâm tư, tình cảm học sinh. Không phải kết bạn hết, tôi chọn cách xây dựng cánh tay đắc lực là những học sinh chủ lực.

Mỗi khi thấy bạn bè có những biểu hiện lạ, những lời nói, hình ảnh quá khích trên trang cá nhân thì báo cho tôi biết. Nhờ vậy, tôi đã kịp thời xử lý, ngăn chặn để sự việc không đi quá xa.

Trong những giờ hướng nghiệp, ngoại khóa, giáo viên của trường đều lồng ghép vấn đề MXH và cách chọn lọc thông tin cho các em hiểu. Với những thông tin, dư luận “nóng”, mỗi khi nắm bắt được tôi đều truyền đạt, giúp các em định hướng tốt, xấu”.

Cũng giúp học sinh chọn lọc thông tin, cách mà cô Trần Thị Châu Trân (giáo viên Trường Phổ thông thực hành Sư Phạm, TP. Long Xuyên) khá mới lạ.

Theo cô Trân, ngoài việc thường xuyên nhắc nhở trong giờ lên lớp, tiết sinh hoạt chủ nhiệm, cô còn giúp các em hiểu đúng và chọn lọc thông tin qua những bài tập làm văn.

“Với 1 bài nghị luận xã hội, tôi thường ra đề ngay tại lớp để các em chia nhóm thảo luận hoặc làm bài cá nhân để đánh giá.

Đề tài tôi chọn thường liên quan đến MXH và cách chọn lọc thông tin. Tôi thường định hướng dàn bài, đặt ra vấn đề, nguyên nhân, hậu quả và cách giải quyết. Hết thời gian, cô trò sẽ cùng phân tích.

Lúc này, tôi mới chỉ ra cái sai, cái đúng để học sinh rút kinh nghiệm. Bằng cách này, các em sẽ hiểu và khắc sâu hơn kiến thức đã học, đồng thời có cái nhìn đúng đắn khi chọn lọc thông tin trên MXH” - cô Trân chia sẻ.

Thế mới thấy, sự nguy hiểm khi tiếp nhận thông tin không chọn lọc trên MXH. Vậy nên, mọi người cần phải tỉnh táo trước sự bùng nổ của thông tin trong thời đại ngày nay.

PHƯƠNG LAN