Chủ động cho vụ đông xuân 2018-2019

28/09/2018 - 08:52

 - Mùa lũ 2018 về sớm, tuy gây thiệt hại vụ lúa hè thu và thu đông nhưng đối với vụ đông xuân tới, lại khá thuận lợi. Lũ lớn giúp rửa sạch đồng ruộng, cung cấp phù sa, cắt đứt mầm bệnh nên dự báo vụ lúa đông xuân 2018-2019 năng suất sẽ khá hơn. Cùng với đó, bài học lũ lớn 2018 cũng là cơ hội tổ chức lại sản xuất, tránh kiểu canh tác “ăn may” đầy rủi ro.

Bài học đắt giá

Mùa lũ năm nay được xem là “lạ lùng” so với diễn biến lũ nhiều năm qua. “Những vùng trước đây thường ngập lũ sau cùng như dọc bờ kênh Vĩnh Tế (xã Lạc Quới, Vĩnh Gia) thì năm nay lại bị ngập trước, lũ về sớm hơn cả tháng. Ngược lại, những chỗ thường ngập trước như vùng Ô Lâm thì lại ngập sau” - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương nhận xét.

Thời điểm trước khi lũ về, nhận được cảnh báo lũ lớn và phức tạp nên huyện đã chỉ đạo các xã, ban ấp, đoàn thể đến gặp từng hộ dân để tuyên truyền, vận động không xuống giống ngoài đê bao nhưng nhiều nông dân (ND) vẫn bất chấp khuyến cáo, làm thêm vụ thu đông sớm sau khi thu hoạch vụ hè thu. “Thậm chí, khi đoàn công tác của huyện có Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đi kiểm tra, gặp ND chở lúa giống đi sạ, đã vận động ngừng xuống giống ngoài đê bao nhưng nhiều người vẫn chủ quan nói: “Không có gì đâu, các năm trước “ăn” được thì năm nay chắc cũng “ăn” được. Chúng tôi làm, nếu có thiệt hại chúng tôi tự chịu trách nhiệm” - ông Sương kể.

Gia cố bảo vệ sản xuất ở vùng ngoài đê bao của huyện Tri Tôn

Do phần lớn những ND xuống giống ngoài đê bao là người thuê đất, dù sản xuất 2 hay 3 vụ thì giá thuê cũng như nhau (tính giá thuê cả năm) nên họ đánh liều sản xuất (SX) thêm vụ thu đông. Vậy là, trong tổng diện tích 23.600ha lúa thu đông 2018 trên địa bàn huyện Tri Tôn, có 8.423ha ngoài đê bao. Trước tình hình lũ về sớm, nước lên nhanh, UBND huyện Tri Tôn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức họp dân, thống nhất phương án gia cố đê, bơm tiêu chống úng, bảo vệ lúa. Đồng thời, huy động các phương tiện sẵn sàng ứng cứu ở những vùng xung yếu. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn đã huy động cán bộ, chiến sĩ, điều động lực lượng dân quân tự vệ ở các xã, thị trấn cùng cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng Lạc Quới, Vĩnh Gia tăng cường giúp dân gia cố đê bao, thu hoạch lúa chạy lũ. “Thống kê sơ bộ, có khoảng 80-90% diện tích ngoài đê bao đã thu hoạch được. Đến nay, có 1.032ha bị thiệt hại, phần lớn là lúa còn nhỏ, SX manh mún nên không bảo vệ được. Đối với diện tích lúa còn lại, khoảng 10 ngày nữa thu hoạch dứt điểm” - ông Sương thông tin.

Sắp xếp lại sản xuất

Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương cho biết, từ bài học ứng phó lũ 2018, Huyện ủy, UBND huyện sẽ họp bàn, thống nhất lại kế hoạch SX, chấn chỉnh nhiều mặt để các mùa lũ sau không bị thiệt hại nặng như năm nay. “Đối với các vùng đê tạm người dân đã đắp được một phần, huyện sẽ tiếp tục vận động xây dựng đê bao hoàn chỉnh, SX an toàn trong lũ. Đồng thời, thành lập một số hợp tác xã, vận động đầu tư trạm bơm điện để thay thế bơm dầu, phục vụ canh tác lâu dài. Địa phương sẽ nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” (CĐL) liên kết với doanh nghiệp. 9 tháng của năm 2018, huyện đã mở rộng diện tích liên kết CĐL thêm 600ha, nâng tổng diện tích CĐL lên 10.600ha. Đây là giải pháp SX lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp vì hiện nay, không ít doanh nghiệp trên địa bàn phải qua Kiên Giang mua lúa” - ông Sương nhấn mạnh.

Quyết tâm tổ chức lại SX sau mùa lũ lớn của huyện Tri Tôn là quyết tâm chung của tỉnh. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, mùa lũ năm nay, Sở NN&PTNT đã thành lập các đoàn đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Các đoàn công tác đã kiểm tra các đoạn đê xung yếu, công tác duy tu, sửa chữa cống, kiểm tra các điểm sạt lở, đôn đốc thực hiện các công trình thủy lợi phục vụ SX.

Đối với lúa vụ hè thu, đến nay đã thu hoạch dứt điểm 231.421ha, thiệt hại khoảng 3.000ha. Bù lại, năng suất đạt khoảng 5,547 tấn/ha, tăng 0,141 tấn/ha so cùng kỳ. Đối với vụ thu đông 2018, đến ngày 20-9 đã xuống giống khoảng 150.000/162.000ha theo kế hoạch. Do ảnh hưởng lũ nên năng suất thu hoạch 8.000ha lúa sớm chỉ đạt khoảng 4,8 tấn/ha (thấp hơn cùng kỳ 0,2 tấn/ha). Tuy nhiên, do năm nay ít sâu bệnh, các trà lúa sau nếu bảo vệ an toàn thì năng suất lúa cả vụ có thể đạt từ 5,65 - 5,7 tấn/ha. Lũ lớn cũng tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức xuống giống theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo. Dự kiến vụ lúa đông xuân 2019, toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 235.000ha. Nhờ lũ lớn nên dự kiến năng suất sẽ đạt mức 7,5 tấn/ha, tăng 0,15 tấn/ha so vụ đông xuân 2018. Đối với rau màu, dự kiến xuống giống 20.400ha, tăng 700ha so cùng kỳ (dự kiến tăng vụ một số vùng rau ở các huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành với Công ty Antesco).

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN