Chủ động ngăn ngừa lây lan cúm gia cầm

23/08/2019 - 07:51

Với việc bệnh cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện ở TP. Cần Thơ, nguy cơ lây lan dịch bệnh cúm cho đàn gia cầm ở An Giang là rất cao. Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm, phòng chống có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm này.

Phát huy vai trò địa phương

Ngày 13-8-2019, tại TP. Cần Thơ đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gà 1.500 con của hộ ông Lý Văn Ửng (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) và tiêu hủy toàn bộ số gà này.

TP. Cần Thơ là địa bàn giáp ranh với An Giang nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cúm cho đàn gia cầm của tỉnh là rất cao. Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng virus cúm có thể lây sang người như virus H7N9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư vừa ký công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện những nhiệm vụ được phân công.

Cần quản lý tốt vịt chạy đồng để ngăn ngừa cúm gia cầm

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng của địa phương và UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp lực lượng thú y địa phương triển khai nhanh các hoạt động kiểm tra, giám sát và phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quản lý nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thú y cơ sở để có đủ khả năng phát hiện các trường hợp nghi ngờ ổ dịch cúm gia cầm và xử lý kịp thời. Các địa phương cũng được yêu cầu bố trí đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng; phổ biến kỹ năng phòng lây nhiễm virus cúm khi tiếp xúc với gia cầm cho lực lượng thú y và các lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch, tiêu hủy gia cầm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm; kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch để dập tắt kịp thời, không để lây lan dịch bệnh. Khi có dịch xảy ra, phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch…

Kiểm soát chặt chẽ

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh yêu cầu đơn vị chỉ đạo ngành chăn nuôi và thú y (CN&TY), Phòng NN&PTNT huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố phối hợp ngành chức năng địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây nhiễm sang người. Sở NN&PTNT có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vaccine cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao, phù hợp với các chủng virus cúm gia cầm. Song song đó, chỉ đạo Trạm CN&TY, hệ thống nhân viên CN&TY xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên dịch bệnh trên gia cầm đến tận hộ chăn nuôi.

Trước nguy cơ lây lan dịch, Sở NN&PTNT được yêu cầu tổ chức triển khai ngay đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trong phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ bảo hộ lao động và các vật tư hóa chất phục vụ cho công tác tiêu độc và chống dịch nếu dịch bệnh xảy ra.

Để phòng, chống bệnh cúm gia cầm hiệu quả, UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, thú y, quản lý thị trường, thanh tra giao thông, hải quan, bộ đội biên phòng phối hợp các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, kiểm dịch động vật đầu cửa khẩu, Trạm CN&TY tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm. Các lực lượng phải kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới, các trường hợp vi phạm mua bán gia cầm sống tại chợ và chăn nuôi thủy cầm thả trên sông, kênh, rạch, nơi có dòng nước dùng trong sinh hoạt. Riêng Sở Y tế có các biện pháp chủ động trong giám sát, có phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để khi phát hiện có người nghi mắc bệnh, đồng thời chủ động dự phòng đủ trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về mức độ nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm để mọi người dân tham gia, nâng cao ý thức và chủ động đấu tranh, phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời.

Đối với thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh, căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao, tăng cường đôn đốc kiểm tra, phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN