Chủ động phòng cháy, chữa cháy cao điểm mùa khô

09/05/2019 - 08:14

 - Trong những tháng đầu năm 2019, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành chức năng phải tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy nhằm bảo vệ tài sản, an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, việc chống lại “giặc lửa” đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội mới đạt được hiệu quả cao nhất.

Thượng tá Võ Phúc Thọ, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) thông tin: “Tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh trong các tháng đầu năm diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 4 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2018 đã giảm 6 vụ. Trong đó, các vụ cháy chủ yếu gây thiệt hại nhà dân, các cơ sở có nhiều hàng hóa dễ cháy và các chợ với 2 nguyên nhân cơ bản là sự cố điện và bất cẩn khi sử dụng lửa. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, ngay từ đầu năm chúng tôi chủ động tham mưu UBND tỉnh và Công an tỉnh ban hành các văn bản yêu cầu lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra cháy lớn và tập trung thực hiện công tác PCCC trong khu dân cư”.

 Theo đó, thượng tá Võ Phúc Thọ khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trong vấn đề sử dụng lửa, nhất là tại những khu vực dễ cháy, nhiều hàng hóa và tập trung đông người. Đồng thời, nguyên nhân dễ gây cháy, nổ nhất là sự cố điện (chiếm 80% nguyên nhân các vụ cháy), do đó người dân cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện gia dụng, kịp thời khắc phục những sự cố nhỏ không để cháy, nổ xảy ra. Với mật độ dân cư ngày càng dày đặc như hiện nay, việc nâng cao ý thức của mỗi người trong việc đề phòng “bà hỏa” sẽ phát huy tác dụng tích cực nhất, bởi một khi xảy ra cháy thì hậu quả rất lớn, chứ không phải là chuyện của riêng ai.

Nhằm nâng cao ý thức PCCC trong mọi tầng lớp nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 14/UBND-NC về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn đến các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong tỉnh. Trong đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ tổ chức rà soát, thống kê, phân loại cơ sở về PCCC, tăng cường đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất hoạt động của từng loại cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCCC khi có sự cố xảy ra. Phát huy hiệu quả công tác PCCC theo phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ”.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường huấn luyện lực lượng PCCC tại chỗ sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy được trang bị kết hợp với việc tổ chức tuần tra, chủ động phát hiện khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Thực tế, lực lượng chữa cháy tại chỗ có vai trò rất quan trọng trong việc dập tắt đám cháy ban đầu, tránh được thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như đảm bảo tốt phương tiện phục vụ chữa cháy cho lực lượng này là yêu cầu tất yếu trong công tác chủ động PCCC tại địa phương, cơ quan, đơn vị đúng với tinh thần sẵn sàng chữa cháy, nhất là trong các dịp lễ, Tết và cao điểm mùa khô như hiện nay.

“Hiện nay, chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn công tác PCCC về cơ sở. Đây là công tác quan trọng, bởi khi người dân có ý thức phòng, chống cháy nổ thì sẽ hạn chế được tối đa thiệt hại từ “bà hỏa”. Ngoài tuyên truyền, chúng tôi đẩy mạnh công tác huấn luyện kiến thức, tổ chức diễn tập về PCCC và cứu nạn cứu hộ cho cán bộ, nhân dân thuộc các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm giúp mọi người nắm vững kiến thức, kỹ năng phản ứng đối với trường hợp có cháy, nổ xảy ra, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và người khác” - thượng tá Võ Phúc Thọ cho hay.

Với tình trạng cháy, nổ còn diễn biến phức tạp như hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng PCCC trong mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra an toàn PCCC; tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn PCCC đối với các cơ sở có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ; hướng dẫn cơ sở làm tốt việc tự kiểm tra an toàn PCCC, kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót về bảo đảm an toàn PCCC. 

Mùa khô năm nay vẫn còn diễn biến khá phức tạp với nhiều nguy cơ về cháy, nổ, do đó người dân cần nâng cao ý thức PCCC tại cơ sở nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, tránh thiệt hại không đáng có. Ngoài ra, việc tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người khác nâng cao ý thức PCCC cũng là phương pháp hiệu quả, tránh được sự đe dọa từ “giặc lửa”, hướng đến một cuộc sống an toàn cho tất cả mọi người.

THANH TIẾN