Chủ động phòng trừ sâu, bệnh ở “vựa lúa” Thoại Sơn

07/03/2019 - 06:53

 - Trong hơn 38.500ha lúa xuống giống vụ đông xuân 2018 - 2019, nông dân huyện Thoại Sơn mới thu hoạch khoảng 4.000ha, số còn lại đang ở giai đoạn đòng - trổ. Trong điều kiện thời tiết bất lợi (sương mù dày vào buổi sáng, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn), các đối tượng dịch hại rất dễ tấn công trong giai đoạn này. Do vậy, ngành nông nghiệp huyện Thoại Sơn đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, hướng dẫn nông dân ứng phó với sâu, bệnh, bảo vệ ăn chắc vụ lúa quan trọng nhất trong năm.

Nông dân cùng cán bộ kỹ thuật huyện Thoại Sơn thường xuyên thăm đồng để kiểm tra dịch hại

Nỗi lo rầy nâu

“Trong Tết Nguyên đán đã có đợt rầy nâu xuất hiện với mật độ thấp. Sau Tết, rầy nâu xuất hiện nhiều hơn, tấn công mạnh vào ruộng lúa. Tôi phải phun 2 lần thuốc diệt rầy. Đến nay, lượng rầy giảm, tôi thấy yên tâm phần nào. Đa số nông dân trong vùng tốn tiền thuốc xịt rầy nhiều lắm nhưng chắc chắn năng suất sẽ bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Văn Tuân, nông dân xã Tây Phú thông tin.

Tại xã An Bình kế cận, bà con nông dân đang vất vả xử lý rầy nâu. “Trước Tết, thấy rầy xuất hiện tương đối nhiều, mật số hơn 3 con/tép, tôi đã xịt 1 đợt thuốc trừ rầy. Cách đây khoảng 10 ngày, rầy nâu xuất hiện nhiều nhất. Xung quanh nơi đây, ruộng lúa nào cũng bị nhiễm rầy với mật số cao, nông dân lo lắng và sốt sắng chạy mua thuốc về xịt rầy để bảo vệ cây lúa. Rầy chẳng những tấn công ruộng lúa mà còn tràn vào nhà dân, chích tụi nhỏ ngứa ngáy khó chịu. Khoảng nửa tháng nay, hầu như trời vừa sụp tối là nhiều nhà tắt đèn, chui vô mùng để tránh rầy. Ngoài đường, những nơi có bóng đèn, rầy bu đen kịt, những người lưu thông ban đêm dễ bị rầy bay vào mắt, vướng lên mặt và chui vào quần áo rất khó chịu” - nông dân Nguyễn Ngọc Tưởng (xã An Bình) chia sẻ. Ông Tưởng cho biết, tuy lứa rầy mới nhất trên ruộng đã được tiêu diệt nhiều nhưng không biết tới đây, lúa có bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hay không, vì ít nhiều cây lúa đã bị rầy chích hút.

Qua quá trình kiểm tra thực tế tại đồng ruộng của cán bộ chuyên môn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 1.200ha lúa xuất hiện sâu cuốn lá trưởng thành và sâu non, phổ biến từ 10 - 15 con/m2, rầy nâu với mật độ phổ biến từ 2.000 - 5.000 con/m2. Đây là mật số khá cao so với các vụ lúa trước, khả năng ảnh hưởng đến năng suất nếu không xử lý kịp thời, đúng cách.

Bình tĩnh ứng phó

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, hiện nay, trên đồng ruộng đã xuất hiện bướm, rầy trưởng thành đã vào đèn, có khả năng cuối tháng giêng, đầu tháng 2 (âm lịch) sẽ có 1 đợt rầy cám và sâu non nở rộ. Do vậy, nông dân không được chủ quan khi thấy đợt rầy sau Tết đã giảm, cần chủ động thăm đồng để ứng phó phù hợp.

Theo các ngành chuyên môn, sở dĩ rầy nâu và sâu cuốn lá bộc phát mạnh hơn mọi năm là do đầu vụ có mưa, thời tiết thuận lợi cho sâu, rầy phát triển. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL có lịch xuống giống khác nhau, khi thu hoạch rầy có thể di chuyển từ các vùng lân cận về. Một nguyên nhân nữa là do mất cơ cấu giống lúa, gieo sạ nhiều giống lúa thơm. Đầu vụ, nhiều nông dân đã dùng thuốc bảo vệ thực vật xử lý bù lạch, làm chết một lượng lớn thiên địch nên gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, khiến sâu, rầy tấn công mạnh.

ThS Vũ Công Lượng, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thoại Sơn khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra thật kỹ ruộng lúa, đặc biệt chú ý đến trà lúa làm đòng - trổ. Nếu phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ và mật số hơn 3 con/tép thì nông dân mới tiến hành phun thuốc trừ rầy, không phun khi mật số rầy còn thấp. Khi phun thuốc, cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc (đúng thuốc trừ rầy, nên sử dụng thuốc chống lột xác, không sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc, không sử dụng nhóm thuốc trừ sâu cuốn lá để phun trừ rầy, không kết hợp thuốc đặc trị rầy với nhóm trừ sâu cuốn lá sẽ làm bộc phát rầy); đúng lúc (lúc rầy tuổi 2 - 3, có màu vàng lợt đến vàng nâu); đúng nồng độ và liều lượng (theo khuyến cáo trên nhãn và đủ lượng nước); đúng cách (phun vào thân cây lúa, không phun phớt trên lá). “Nông dân cần chú ý, không sử dụng thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid giai đoạn trổ và sau trổ, đặc biệt cần tuân thủ đủ thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch nhằm đảm bảo không tồn dư lượng thuốc vượt mức trong hạt lúa” - ThS Lượng nhắc nhở.

Bài, ảnh: N.C