Chủ động ứng phó khẩn cấp bệnh dịch tả heo Châu Phi

11/03/2019 - 07:59

 - Đó là ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh với các sở, ngành và địa phương trong tỉnh, trước tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi đang xảy ra tại các địa phương phía Bắc nước ta và có khả năng lan rộng ra cả nước.

Từ nhận thức…

Dịch tả heo Châu Phi là bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp mầm bệnh, xảy ra ở mọi lứa tuổi, loại heo. Bệnh không lây lan trên người nhưng gây thiệt hại về kinh tế, với tỷ lệ chết đến 100%. Heo khỏi bệnh vẫn có thể mang vi trùng và truyền lây bệnh suốt đời. “Thời gian ủ bệnh từ 4-19 ngày. Đối với bệnh cấp tính, thời gian ủ bệnh từ 3-4 ngày. Đây là loại virus có sức đề kháng cao với môi trường, tồn tại thời gian dài trong thịt đông lạnh (1.000 ngày), giăm bông (140 ngày) và loại virus này có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 600C trong vòng 20 phút” - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Tiến Hiệp thông tin.

Nhân viên kiểm dịch động vật Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông tỉnh kiểm tra niêm phong

Triệu chứng bệnh dịch tả heo Châu Phi được biểu hiện như: sốt, thân nhiệt cao hơn 400C, heo không ăn, nôn mửa, ủ rũ, lười vận động, nằm chồng đống và có thể hôn mê. Ngoài ra, heo có biểu hiện đau vùng bụng, vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới ngực và bụng có màu đỏ sẫm hoặc xanh tím và heo chết đột ngột. Phủ tạng như: tim, phổi, ruột, thận bị xuất huyết. Bệnh này, virus lây truyền qua chất tiết, dịch tiết, chất thải, xác động vật, từ thịt heo và các chế phẩm từ thịt heo như: xúc xích, giăm bông. Hai yếu tố quan trọng làm bệnh lây lan trên diện rộng là con người và phương tiện vận chuyển, trong thời gian dịch bệnh có biểu hiện lây lan nhanh trên diện rộng, để phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi, ngành thú y tỉnh khuyến cáo nông dân nuôi heo (trong thời điểm này) không mua gia súc không rõ nguồn gốc về nuôi; không nuôi động vật khác như: gà, vịt, chó, mèo trong khu vực nuôi heo; không sử dụng thức ăn thừa có chứa thịt heo để nuôi heo.

…đến hành động

Những ngày qua, gia đình bà Trần Thị Lệ (xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) rất lo lắng vì đàn heo của bà sắp đến thời điểm bán nhưng không biết có tránh khỏi bệnh dịch tả heo Châu Phi hay không. Hàng ngày, bà Lệ theo dõi trên báo, đài để biết thông tin và cách phòng trị bệnh. “Heo hơi hiện nay rất có giá. Thương lái đến chuồng mua từ 50.000-51.000 đồng/kg, nếu giữ đàn heo không mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi, với số lượng 70 con sắp xuất bán, gia đình tôi sẽ thu được một số tiền đáng kể. Với mức giá bán ra 50.000 đồng/kg, bình quân mỗi kg thịt, tôi lãi khoảng 20.000 đồng, đây là mức lời mà những người nuôi heo luôn mơ ước” - bà Lệ phân tích.

Không chỉ có gia đình bà Lệ lo lắng về căn bệnh dịch tả heo Châu Phi mà có hàng ngàn hộ nuôi heo tại các địa phương như: TP. Long Xuyên, Chợ Mới, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú... rất lo lắng trước căn bệnh này. “Chúng tôi theo dõi báo, đài biết được từ năm 2017 đến cuối tháng 2-2019 trên thế giới đã có 20 quốc gia ở Châu Á, Châu Âu và Châu Phi có dịch tả heo Châu Phi. Tại Việt Nam, đến thời điểm này đã có 10 tỉnh, thành phố phát hiện dịch bệnh, vì vậy tôi ăn ngủ không yên. Để phòng, chống bệnh, tôi đã đặt khay khử trùng tại đầu dãy chuồng nuôi. Thời gian này, tôi hạn chế cho người lạ vào khu vực nuôi, đồng thời yêu cầu người giúp việc thay áo khi ra khỏi trại. Khi cho người khác vào trại tôi thực hiện quy trình vệ sinh, sát trùng người, dụng cụ và phương tiện trước và sau khi ra…” - ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) thông tin.

Để ứng phó kịp thời với bệnh dịch tả heo Châu Phi, hiện các cửa ra vào tỉnh, lực lượng thú y đang ngày đêm kiểm soát các phương tiện chở động vật từ các tỉnh lân cận nhập vào, thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra. “Khi xe chở heo từ Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai… mang heo về An Giang giết mổ, Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông tỉnh (đặt tại Vàm Cống) tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt các thủ tục kiểm dịch động vật như: kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất phát; kiểm tra số xe, số niêm phong, đồng thời kiểm tra lâm sàn đàn heo trên xe để biết tình trạng sức khỏe của heo. Khi các bước trên hợp lệ, chúng tôi tiến hành phun thuốc để vệ sinh tiêu độc phương tiện vận chuyển” - Trưởng trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông tỉnh Mai Thanh Hải thông tin.

Ngoài sự vào cuộc của ngành thú y và nhân dân trên địa bàn, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi. Theo đó, 2 kịch bản đã được đưa ra để các cấp, ngành nghiên cứu thực hiện, cụ thể trong trường hợp trên địa bàn tỉnh có dịch và không có dịch, chúng ta đều chủ động đối phó.

“Một trong những biện pháp phòng, chống bệnh là người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, không chế biến thịt gần khu chuồng nuôi. Người chăn nuôi heo cần thực hiện “5 không” mà ngành thú y khuyến cáo: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa để nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt, khi phát hiện có heo bệnh, chết phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú ý; không bán chạy heo bệnh” - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Tiến Hiệp khuyến cáo

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN