Chủ động ứng phó mưa giông, lốc xoáy

24/10/2019 - 07:44

 - Theo đánh giá, tình hình thiên tai trên địa bàn An Giang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là mưa giông, lốc xoáy gây thiệt hại với quy mô lớn. Để bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiệt hại tài sản của người dân, cần nghiêm túc thực hiện ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Thiệt hại lớn

 Mùa mưa năm nay, giông, lốc xoáy thật sự trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng cù lao, vùng đầu nguồn. Theo ghi nhận của Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCĐ Ứng phó BĐKH-PCTT&TKCN) tỉnh, vụ mưa lớn kèm giông, lốc xoáy ngày 4-6 đã gây thiệt hại 174 căn nhà trên địa bàn huyện An Phú (15 căn bị sập, 159 căn tốc mái, xiêu vẹo). Ngày 23-7, mưa giông, lốc xoáy tiếp tục gây thiệt hại 1.047 căn nhà (43 căn bị sập, 1.004 căn bị tốc mái, xiêu vẹo), tập trung nhiều nhất ở TX. Tân Châu (713 căn), kế đến là Chợ Mới (265 căn), Phú Tân (52 căn), An Phú (7 căn), TP. Long Xuyên (10 căn). So với đợt giông, lốc xoáy kinh hoàng ngày 18-6-2016 (gây thiệt hại 849 căn nhà ở huyện Thoại Sơn, Chợ Mới, TP. Long Xuyên) thì trận mưa lớn kèm giông, lốc xoáy ngày 23-7-2019 gây thiệt hại còn nhiều hơn.

Cần chủ động ứng phó mưa giông, lốc xoáy

Cần chủ động ứng phó mưa giông, lốc xoáy

BCĐ Ứng phó BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh vừa triển khai phương án phòng ngừa và ứng phó với giông, lốc xoáy trên trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả ngay tại cơ sở. Đối với người dân, cần tuân thủ các chỉ dẫn của chính quyền, cơ quan chức năng, đồng thời cùng tham gia phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại.

Theo đánh giá của BCĐ Ứng phó BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh, tất cả khu vực ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn An Giang đều có khả năng bị ảnh hưởng của giông, lốc xoáy. Trong đó có 95/156 xã, phường, thị trấn thường xuyên bị ảnh hưởng thời gian qua, gồm: TP. Long Xuyên (10/13 xã, phường), TP. Châu Đốc (5/7 xã, phường), TX. Tân Châu (11/14 xã, phường), huyện Phú Tân (16/18 xã, thị trấn), Châu Phú (7/13 xã, thị trấn), Tịnh Biên (10/14 xã, thị trấn), Tri Tôn (4/15 xã, thị trấn), Châu Thành (5/13 xã, thị trấn), Chợ Mới (10/18 xã, thị trấn) và Thoại Sơn (7/17 xã, thị trấn).

Phòng là chính

Trong công tác phòng ngừa, BCĐ Ứng phó BĐKH-PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các ngành, địa phương và người dân thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai cũng như hướng dẫn biện pháp phòng ngừa, ứng phó trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (http://phongchongthientai.mard.gov.vn), Đài Khí tượng Thủy văn An Giang (http://kttv.angiang.gov.vn) để kịp thời phòng ngừa và ứng phó hiệu quả. Đồng thời, triển khai và tận dụng việc tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng thông qua website, tin nhắn, các mạng xã hội (fanpage facebook, zalo…).

Các ngành, địa phương được yêu cầu tăng cường tuyên truyền đến cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân thường xuyên kiểm tra, gia cố, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng nhằm đề phòng giông, lốc xoáy bất ngờ xảy ra. Các địa phương tổ chức kiểm tra, thống kê số nhà xiêu vẹo, tạm bợ ở từng xã, phường, thị trấn để có kế hoạch vận động, hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, neo chằng chắc chắn. Đồng thời, tổ chức tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện; kiểm tra độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa-nô, áp phích, các khu vực nhà lá, nhà tạm bợ và các giàn giáo của công trình cao tầng đang thi công. Đối với cấp xã, cùng với tổ chức diễn tập phòng ngừa, ứng phó và khắc phục do giông, lốc xoáy, cần củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai theo Nghị định số 160/2018/NĐ-CP.

Khi có mưa kèm giông, lốc xoáy, cần ưu tiên sơ tán người già, trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến nơi trú ẩn an toàn, vững chắc như: cơ quan, trường học; tránh núp dưới bóng cây, trú ẩn trong nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn. Nếu phát hiện tình trạng mất an toàn trong vận hành lưới điện, phải chủ động cắt điện cục bộ. Sau sự cố, thành lập đoàn công tác phối hợp cùng địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại (nếu có) để triển khai khắc phục, huy động các nguồn lực hỗ trợ. Sau khi khắc phục, sửa chữa và đảm bảo chắc chắn an toàn của hệ thống điện thì phải khôi phục lại ngay việc cung cấp điện để người dân ổn định sinh hoạt, sản xuất. Đồng thời, khẩn trương sửa chữa, gia cố công trình, nhà ở bị hư hỏng, thu dọn cây xanh bị ngã đổ và xử lý vệ sinh môi trường theo quy định.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích