Chủ động ứng phó mưa lũ phức tạp

06/08/2018 - 07:41

 - Lũ về sớm hơn từ 7-10 ngày, đỉnh lũ cao hơn năm 2017 là điều gần như chắc chắn xảy ra. Do vậy, công tác ứng phó đòi hỏi phải chủ động, khẩn trương, vừa hỗ trợ tích cực nhưng cũng vừa kiên quyết không để người dân xuống giống ở những vùng sản xuất không an toàn.

Nỗi lo kiểu sản xuất “ăn may”

Nhìn dòng nước kênh Tri Tôn chảy cuồn cuộn, đỏ quạch phù sa, lão nông Trần Văn Hưởng (xã Tà Đảnh, Tri Tôn) khẳng định: “Mới giữa tháng 6 (âm lịch) mà nước đã lé đé bờ kinh. Con nước năm nay chắc chỉ thua đợt lũ lớn năm 2011. Nước lớn, bà con làm nghề câu lưới và sản xuất (SX) 2 vụ rồi xả lũ tự nhiên sẽ rất vui mừng, chỉ lo cho những nông dân (ND) ngoài vùng đê bao đã lỡ xuống giống để chờ “ăn may” vụ thu đông sớm”.

Nỗi lo của ông Hưởng là có cơ sở bởi qua thực tế khảo sát SX ở khu vực ngoài đê bao cặp rừng tràm Bình Minh (xã Tà Đảnh), rừng tràm Tân Tuyến, lâm trường Tỉnh Đội (xã Tân Tuyến, Tri Tôn), rất nhiều diện tích lúa vẫn còn xanh (khoảng 40-50 ngày tuổi) nhưng nước đã chực chờ chảy ngược từ bờ kinh vào ruộng. Có một số trường hợp ND đã thu hoạch xong vụ hè thu sớm, “ăn” được 1 vụ dưa hấu ngắn ngày nhưng vẫn xuống giống “cầu may” với hy vọng thu hoạch kịp vụ thu đông sớm trước khi lũ về.

“Năm 2017, nhiều diện tích xuống giống “ăn may” kiểu này cũng chỉ vừa kịp thu hoạch khi nước chụp lên. Với tình hình nước lớn và dự báo lũ về sớm như năm nay, khả năng mất trắng ở những vùng SX ngoài đê bao là rất lớn” - ND Lê Thanh Hoàng (xã Tân Tuyến) dự đoán.

Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương cho biết, do ảnh hưởng bão số 3 và mưa những ngày qua, trên địa bàn huyện có khoảng 217ha lúa và 18,5ha màu bị ngập nước từ 10-30cm, đổ ngã trên 576ha (tính đến ngày 25-7). Đến nay, ND đã thu hoạch được hơn 535ha trong diện tích bị ảnh hưởng, các khu vực bị ngập nước còn lại đã tổ chức bơm chống úng và thu hoạch, chưa có thiệt hại lớn. Tuy nhiên, nỗi lo lại nằm ở vụ thu đông 2018 khi trong tổng diện tích đã xuống giống 11.484ha trên địa bàn huyện, ngoài 6.670ha xuống giống trong đê bao (lúa được 7-49 ngày), còn có 4.814ha xuống giống ngoài đê bao (lúa giai đoạn từ 20-50 ngày sau sạ).

“Một số vùng người dân có thói quen SX sớm để xuống giống vụ 3 ngoài kế hoạch. Khi lũ về sớm kết hợp mưa bão nhiều sẽ dễ ngập úng vì phần lớn diện tích bà con sử dụng máy dầu để bơm rút nước. Một số hộ dân do thuê đất nên tranh thủ làm 3 vụ ngoài đê bao. Việc xuống giống không đồng loạt gây khó cho công tác bơm tiêu chống úng” - ông Sương thông tin.

Phát huy trách nhiệm

Tại huyện Tịnh Biên, ảnh hưởng bão số 3 đã làm đổ ngã 1.187,22ha lúa, 7,15ha màu, trong đó diện tích lúa bị thiệt hại từ 30-70% là 990,62ha, lúa và màu thiệt hại trên 70% là 203,75ha (lúa 196,6ha, màu 7,15ha).

“UBND huyện Tịnh Biên đã chỉ đạo cho UBND các xã, thị trấn có diện tích lúa bị ngập và đổ ngã kết hợp cùng người dân gia cố các vị trí trũng thấp, đóng các cống bơm tưới tiêu, chủ động bơm rút nước ra. Đồng thời, vận động người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu. Đến nay, huyện đã thu hoạch được 6.483,38ha. Trong diện tích 3.141ha chưa thu hoạch, có 300ha ở bờ Bắc kênh Vĩnh Tế (xã An Nông) là lúa 2 vụ (ngoài đê bao)” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tịnh Biên Trần Hiếu Thuận thông tin.

Đối với diện tích vụ thu đông xuống giống ở vùng SX 2 vụ theo kiểu “ăn may”, việc có thu hoạch kịp lũ hay không coi như… “hên xui”. Hiện nay, toàn tỉnh đang tập trung bảo vệ thu hoạch trọn vẹn vụ hè thu, đồng thời kiểm soát xuống giống vụ thu đông 2018 một cách an toàn.

“Đối với 13.600ha cây ăn trái và lúa trong vùng đê bao, cơ bản đảm bảo an toàn. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là bảo vệ 18.000ha lúa hè thu ở vùng SX 2 vụ chưa thu hoạch, khoảng 16.000ha màu trồng ngoài vùng đê bao ở các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, An Phú… khả năng sẽ bị ảnh hưởng mưa lũ. Đợt triều cường kết hợp nước lên rằm tháng 7 sắp tới có thể trùng vào bão số 4. Nếu các nước thượng nguồn vận hàng xả đập thủy điện sẽ khiến nước dâng nhanh, cục bộ. Lâu nay, người dân đã quen ứng phó với lũ lên từ từ, nước tới đâu đắp đê bao đến đó. Nếu nước lên quá nhanh, người dân sẽ không kịp trở tay, tình hình thiệt hại ở huyện An Phú vừa qua là minh chứng cho điều đó” - Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Anh Thư phân tích.

Để ứng phó với diễn biến nước lên nhanh, mưa lũ phức tạp, đòi hỏi các địa phương phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc dự báo, đẩy nhanh tiến độ các công trình bảo vệ, đồng thời tập trung đầy đủ các phương tiện, nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” để không bị động khi có tình huống xảy ra.

“Cần phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống thiên tai, ứng phó mưa lũ, trong đó chú ý huy động sức dân cùng thực hiện nhiệm vụ, không để người dân ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, làm yếu đi sức chống chịu của người dân trước khó khăn. Các cấp, ngành, địa phương cần kiên quyết hơn trong quản lý SX, không để người dân xuống giống ở những vùng không an toàn. Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống đê bao, thủy lợi chủ động, hoàn thiện để phục vụ SX, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực NN ứng dụng công nghệ cao” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân chỉ đạo nhân chuyến khảo sát tình hình phòng, chống lụt bão trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

NGÔ CHUẨN