Chuẩn bị đón năm mới

29/01/2018 - 01:00

 - Để đón năm mới, có rất nhiều việc phải làm như: dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sắm đồ mới, chọn quà biếu, mua đồ cúng Tết… và tất nhiên không quên chuẩn bị mâm ngũ quả.

Sắp xếp, dọn dẹp, trang trí nhà cửa

Dọn dẹp nhà cửa trước Tết là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Theo đó, tất cả các đồ dùng trong gia đình, từ ghế ngồi, bàn thờ… đều được lau chùi sạch sẽ để năm mới cái gì cũng mới, để có không khí Tết. Việc dọn dẹp nhà cửa, trước Tết Nguyên đán có nghĩa xếp lại năm cũ, xóa bỏ những cái cũ để nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, tinh tươm đón một năm mới “Xuôi chèo mát mái”, nhiều tài lộc vào nhà. Do đó, lau chùi, vệ sinh tân trang nhà cửa là làm đẹp cho bản thân gia chủ.

Mặt khác, theo văn hóa Việt Nam, may mắn phúc lộc sẽ gõ cửa những ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ, ngăn nắp vào dịp đầu năm, nên gia chủ cần phải chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa vào cuối năm trước ngày 23 tháng Chạp (ngày ông Công, ông Táo về trời). Không chỉ dừng lại ở quan điểm tín ngưỡng, mà trong thực tế cuộc sống, khi nhà cửa được trang hoàng ngăn nắp gia chủ sẽ cảm thấy tự tin khi mời bạn bè, bà con tới nhà chơi xuân.

Dọn dẹp nhà cửa, mua vật phẩm trang trí nhà đón Tết

Để tạo điểm nhấn cho ngôi nhà, những cành hoa mai, chậu hoa cúc, vạn thọ, cây hạnh… được đặt ở một vị trí trang trọng, có treo những đèn màu nhấp nháy. Nhiều gia đình còn mua những trái châu, đèn lồng, câu đối, tranh Tết, biểu tượng con giáp của năm mới… để treo trên tường, dán trước cửa như thể hiện mong muốn của gia chủ cho một năm mới với những điều tốt lành. Ngày nay, nhiều gia đình không có thời gian để tự quét dọn, trang trí nên thường thuê những dịch vụ dọn nhà ngày Tết vừa tiện lợi, vừa không mất thời gian, công sức. Quét dọn, vệ sinh, trang trí nhà cửa đón Tết là việc làm không thể thiếu của người Việt.

Trưng mâm ngũ quả

Sau khi dọn dẹp, trang trí nhà cửa, khoảng 28 Tết, nhà nhà đều trưng bày mâm ngũ quả kèm nhiều sản vật khác trên bàn thờ. Mâm ngũ quả ngày Tết theo truyền thống gồm 5 loại quả tượng trưng cho 5 yếu tố ngũ hành (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim và Thủy) và Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh là những điều quý giá mong đạt được trong năm mới. Ngoài ra, số 5 là số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi, nảy nở.

Việc trưng mâm ngũ quả còn có ý nghĩa dâng lộc trời lên cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu xuân thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính đối với các bậc tổ tiên. Tùy theo đặc điểm tự nhiên, phong tục tập quán và quan niệm của mỗi vùng mà có cách chọn các loại quả đặc trưng mang ý nghĩa riêng. Nếu căn cứ theo triết lý phương Đông thì mâm ngũ quả phải có 5 loại quả với nhiều màu sắc riêng và mang những ý nghĩa nhất định.

Việc chọn lựa những trái cây đẹp để trưng mâm ngũ quả cũng rất quan trọng

Đối với người dân Nam Bộ, mâm ngũ quả thường có các loại trái: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (có ý nghĩa “cầu sung vừa đủ xài”). Ngoài ra, tùy theo sở thích của gia chủ còn có thể trưng thanh long, dưa hấu, bưởi, hồng, quýt, táo… Theo đó, mỗi loại trái cây mang ý nghĩa riêng tạo nên sự hội tụ, hương vị, sắc màu của văn hóa Việt Nam.

Cụ thể, trái mãng cầu có nghĩa là cầu mong, ước nguyện; sung là sung túc, sung mãn về sức khỏe, tiền bạc; đu đủ mang đến sự thịnh vượng đủ đầy; xoài cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn; thanh long (rồng mây hội tụ) thể hiện sự phát tài phát lộc; dưa hấu, bưởi biểu trưng cho sự căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn; quýt tượng trưng cho sự thành đạt; táo tượng trưng sự phú quý…

Đặc biệt, bên cạnh mâm ngũ quả, trên bàn thờ của người miền Nam không thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho sự may mắn, tròn đầy. Việc trưng mâm ngũ quả ngày Tết giúp không gian thờ cúng gia tiên thêm phần ấm áp và rực rỡ; là nét văn hóa truyền thống của dân tộc và ý nguyện cầu hòa, an, đủ mà người dân Việt Nam gửi gắm.

MINH THƯ