Chuẩn bị tốt Đại hội Đảng bộ các cấp

04/11/2019 - 07:38

 - Ban Tổ chức Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 18-10-2019 để hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tổ chức xây dựng Đảng tại điểm cầu tỉnh An Giang

Trước tháng 12-2019 hoàn thành triển khai, quán triệt

Theo Hướng dẫn số 26, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị; quy chế bầu cử trong Đảng; bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; kế hoạch tổ chức đại hội của cấp mình; hướng dẫn này và các văn bản liên quan. Về hình thức, cấp ủy các cấp tổ chức hội nghị trực tiếp hoặc có thể trực tuyến để quán triệt phù hợp với tình hình, đặc điểm, điều kiện và yêu cầu cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị; trong thời gian không quá 1 ngày và hoàn thành trước tháng 12-2019. Đồng thời, xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp.

Xây dựng đề án nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025

Cấp ủy trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Tiểu ban nhân sự từ 5-7 đồng chí (bảo đảm không quá 50% số lượng Ủy viên Ban Thường vụ đương nhiệm), do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng tiểu ban, Trưởng ban Tổ chức cấp ủy làm Thường trực tiểu ban. Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đề án nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025, tập trung vào một số nội dung, như: tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2015-2020; quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng và các quy định, hướng dẫn của cấp trên; dự báo bối cảnh, tình hình, xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Xây dựng đề án nhân sự bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với địa bàn, lĩnh vực quan trọng và cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định. Bám sát quy định của Trung ương và trên cơ sở nguồn cán bộ (tái cử và quy hoạch), cấp ủy các cấp tiến hành xác định tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng cấp ủy viên đối với từng địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng theo phương châm: phải coi trọng chất lượng cấp ủy, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn và không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy. Việc xây dựng đề án nhân sự cần phải được thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, phát huy trí tuệ và tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong tập thể cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy...

Tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên

Căn cứ vào tiêu chuẩn chung nêu tại Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, cấp ủy các cấp cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, các đồng chí được dự kiến giới thiệu làm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND hoặc chủ tịch UBND; lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026 ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định, phải là người có kiến thức, am hiểu và có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách. Các đồng chí cấp ủy được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; có trình độ, năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, HĐND. Nhân sự được giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp phải có bằng tốt nghiệp lý luận chính trị đối với từng đối tượng, chức danh theo quy định.

Thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi

Theo hướng dẫn, độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện theo quy định nêu tại Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị. Trong đó, độ tuổi tái cử chính quyền ít nhất là 30 tháng và thời điểm tính độ tuổi tái cử chính quyền là tháng 5-2021. Đối với cán bộ, công chức cấp xã: độ tuổi lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ, độ tuổi tái cử ít nhất phải từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tại thời điểm đại hội hoặc bầu cử của mỗi tổ chức (tính theo tháng) và có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khỏe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương quy định cụ thể về độ tuổi tham gia cấp ủy đối với những người không là cán bộ, công chức cấp xã (người hoạt động không chuyên trách, cán bộ nghỉ hưu, nghỉ chế độ...) theo tinh thần Kết luận số 64, ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). Cơ cấu cấp ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy các cấp thực hiện theo quy định nêu tại Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị; thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi đối với cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, phấn đấu: dưới 40 tuổi từ 10% trở lên; từ 40 đến 50 tuổi khoảng 40-50%, còn lại trên 50 tuổi. Đối với cấp xã do Ban Thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể cho phù hợp…

Về số lượng cấp ủy, đối với cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương căn cứ vào Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên so với số lượng tối đa được cấp có thẩm quyền xác định ở nhiệm kỳ 2015-2020 (không tính các đồng chí cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương). Đối với Đảng bộ cấp cơ sở (gồm Đảng bộ cấp xã và Đảng bộ cơ sở mà Đảng ủy được giao hoặc thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở) cơ bản thực hiện số lượng như nhiệm kỳ 2015-2020 và do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đối với những Đảng bộ cấp xã, cấp huyện và tương đương thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập thì số lượng cấp ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra cấp ủy tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập có thể nhiều hơn so với quy định nhưng tối đa không quá số lượng hiện có; tuy nhiên, đến Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 thì thực hiện số lượng theo quy định…

Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26 còn yêu cầu các cấp ủy chuẩn bị thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó đặc biệt chú ý đối với Đảng bộ đang có tình hình phức tạp về an ninh, trật tự nội bộ mất đoàn kết hoặc có vụ án, vụ việc bị điều tra, khởi tố, đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị mà dư luận, đảng viên và nhân dân quan tâm, Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng kết luận, xử lý dứt điểm đối với cán bộ có sai phạm, khuyết điểm.

THU THẢO (Lược trích)

 

Liên kết hữu ích