Chung sức xây dựng cầu nông thôn

04/01/2018 - 08:33

 - Trong 2 năm 2016-2017, có 268 cây cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh được xây dựng với tổng kinh phí trên 800 tỷ đồng, chiếm gần 72% số cây cầu cần xây dựng cả giai đoạn 2016-2020. Cùng với sự hỗ trợ một phần từ Nhà nước, tiến độ xây dựng các cây cầu được thực hiện nhanh chóng nhờ được các tổ chức, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, người dân chung sức, chung lòng cùng đóng góp vì sự phát triển của quê hương.

Doanh nghiệp đồng hành

Những năm qua, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang luôn dành nhiều sự đóng góp cho các công trình xây dựng cầu, đường nông thôn. Bên cạnh góp tiền, góp đá xây dựng, lãnh đạo công ty còn cử cán bộ chuyên môn phối hợp với địa phương khảo sát địa điểm, thống nhất phương án xây dựng. Ngày khánh thành công trình, Ban Giám đốc công ty luôn là những người có mặt chia vui cùng chính quyền địa phương và người dân.

“Mỗi cây cầu, tuyến đường nông thôn mà công ty đóng góp đều là tấm lòng của đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Ông bà ta có câu “của bền tại người”. Mỗi khi dự lễ khánh thành, chúng tôi đều kiến nghị các địa phương định kỳ duy tu, bảo dưỡng nhằm tăng tuổi thọ công trình” - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang Nguyễn Tấn Danh chia sẻ.

Là một Mạnh Thường Quân lớn cho các công trình cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn… ông Danh cảm thấy vui khi ở mỗi cây cầu đều có sự chung sức, chung lòng của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân...

“Điển hình như việc xây dựng và khánh thành cùng lúc 3 cây cầu thép dây văng kênh 2, 3, 5 và cầu bê-tông kênh 4 ở ấp Tân Thạnh (xã Tà Đảnh, Tri Tôn). Các công trình nhận được sự đóng góp tích cực bởi các đội xây cầu thiện nguyện của chú Út Ngộ, chú Mai Văn Ngợi, trại giống Tà Đảnh, bà con Nhân dân.

Nếu lượng hóa giá trị ngày công tham gia xây cầu thì giá trị đóng góp cho 3 cây cầu dây văng là 75 triệu đồng (chiếm 10% tổng kinh phí xây cầu), còn ngày công đóng góp xây dựng cầu bê-tông trị giá 153 triệu đồng (chiếm 24% kinh phí). Đây là sự thể hiện rõ nguyên tắc đối ứng, một nguyên tắc mà ở đó, mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm, cùng đóng góp, cùng thừa hưởng, cùng giữ gìn, cùng bảo dưỡng” - ông Danh phân tích.

Chung sức xây dựng cầu nông thôn

Khen thưởng những đơn vị, cá nhân đóng góp xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn xã Tà Đảnh (Tri Tôn)

Trân quý những tấm lòng

Dù đã lớn tuổi nhưng các chú Trần Thanh Phúc, Trần Văn Voi (TP. Long Xuyên) vẫn thường xuyên có mặt ở các sự kiện khánh thành cầu nông thôn mà mình có đóng góp. Thông qua Hội từ thiện cà-phê Suối Mơ (TP. Vĩnh Long, Vĩnh Long), 2 chú cùng một số nhà hảo tâm đã ủng hộ 100 triệu đồng xây dựng cầu Nhân Ái kênh 4, góp phần hỗ trợ xã Tà Đảnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, Hội trưởng Hội từ thiện cà-phê Suối Mơ cho biết, nhờ sự chung sức, chung lòng của những người như chú Phúc, chú Voi, các nhà hảo tâm cùng các bạn trẻ có tấm lòng thiện nguyện, hội đã hỗ trợ kinh phí thi công gần 100 cây cầu nông thôn ở ĐBSCL. “Kế hoạch sắp tới của hội là xây dựng khu nhà ở cho bà con Việt kiều Campuchia khi bà con có nhu cầu về nước định cư. Qua đó, giúp bà con ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất” - anh Tuấn thông tin.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Ngô Công Thức cho biết, đặc thù địa hình An Giang có nhiều kênh, rạch chằng chịt nên nhu cầu xây dựng cầu nông thôn rất lớn. “Người dân ý thức được giá trị của các cây cầu trong giao thương hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển nên nhiệt tình ủng hộ. Ở mỗi công trình, người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đều hân hoan đóng góp. Nhờ vậy, tiến độ xây dựng cầu nông thôn đạt nhanh hơn kế hoạch” - ông Thức thông tin.

“Người dân phải khá hơn, phải giàu lên thì mới có điều kiện đóng góp nhiều, xã hội hóa xây cầu nông thôn càng đạt hiệu quả cao. Muốn vậy, cần khuyến khích nông dân chuyển hướng sản xuất gạo ngon, gạo thơm, gạo hữu cơ, xây dựng “Cánh đồng lớn” để nâng cao giá trị hạt gạo, đồng thời phát triển rau màu, cây ăn quả, thủy sản phù hợp thị trường để tăng thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích sản xuất” - ông Nguyễn Tấn Danh đề nghị.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN