Chúng tôi nhớ Bác Tôn!

03/08/2018 - 06:30

 - Cuối hè, cơn nắng ban trưa lúc gay gắt đến hanh hao, lúc lại trốn mất khi cơn giông ập về. Cũng như mọi năm, thời điểm này mọi người bắt đầu chuỗi hoạt động đón lũ, đón năm học mới, đặc biệt là đón mừng sinh nhật Bác Tôn. Bác đã đi xa lắm, nhưng vẫn như sống mãi ở đây, trong lòng con cháu An Giang. Trong bài viết này, tôi làm nhiệm vụ nhặt nhạnh từng cảm xúc của các nhân vật, góp lại thành một dấu lặng trầm: chúng tôi nhớ Bác Tôn!

Ông Nguyễn Văn Tri (sinh năm 1948, ngụ ấp Mỹ Long I, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) đã gắn bó với quê hương 70 năm. Trong đó, 12 năm ông làm cán bộ, lãnh đạo xã Mỹ Hòa Hưng, 13 năm gắn bó với Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, 8 năm về hưu nhưng vẫn bộn bề công việc của người cán bộ hưu trí, người cao tuổi. Thế nên, cuộc trò chuyện vào buổi trưa vắng của chúng tôi rất thú vị.

Ông kể cho tôi nghe về cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng của Bác Tôn, những ký ức liên quan đến cù lao này. Đó là ký ức về vùng quê hẻo lánh, thiếu thốn đủ bề, đất phía sau lưng cù lao chẳng có bao nhiêu. Người dân nơi đây mộc mạc, chân chất, thường phải đi tha phương cầu thực. Trong những năm tháng ấy, Bác Tôn đã rời quê, mang theo tấm lòng yêu nước và quyết tâm sắt đá thay đổi cuộc sống bần cùng.

“Qua nghiên cứu sâu cuộc đời và nhân cách của Bác Tôn, tôi nhận thấy Bác có rất nhiều đức tính, việc làm hết sức cao cả, mang đậm “chất người Tôn Đức Thắng”. Bác không muốn thừa hưởng vinh hoa phú quý trong gia đình phú nông, mà quyết định học nghề, làm công nhân, rồi theo cách mạng. Bác rất giỏi về công tác tổ chức, xây dựng mối đoàn kết nội bộ và tập hợp lực lượng cùng chí hướng yêu nước.

Ai ngờ Chủ tịch nước lại mặc áo sờn vai, sử dụng vali cũ kỹ, mang đôi giày chật khoét rộng, sắm đồ nghề sửa xe đạp và gần 90 tuổi vẫn thích chạy xe. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Bác quyết định trả lại căn nhà số 35 Trần Phú (Hà Nội) cho Nhà nước, nên đến lúc mất Bác là người… chẳng có nhà riêng. Bác Tôn là tấm gương để tôi phải học theo, trong đó đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” càng cần học nhiều hơn”- ông Tri xúc động bày tỏ.

Để học tập theo đạo đức cách mạng của Bác Tôn, từ uy tín của mình, ông Tri tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương tham gia đóng góp tiền, của cải và công sức để thực hiện các công trình phúc lợi xã hội.

Riêng trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, ông đã vận động cất mới 5 cây cầu; đổ đal 1 tuyến đường, giặm vá 107m đường, tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng (xã hội hóa 100%) và trên 2.000 ngày công lao động của Nhân dân địa phương. Đó là những công trình mà ông Tri và bà con tự hào thực hiện, làm món quà dâng tặng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Ông Tri tâm sự: “Dù nghèo khó chứ tình cảm và tinh thần của chúng tôi không nghèo. Ai nấy miệt mài tham gia làm cả ngày lẫn đêm, đóng góp công sức và tiền của vào xây dựng địa phương. Điều này chứng tỏ bà con rất thương mến Bác, thương mến quê mình, thể hiện bằng hành động thiết thực. Chúng tôi rất tự hào vì được sống ở Mỹ Hòa Hưng, là người con quê Bác!”.

Nối tiếp câu chuyện của ông Tri, rõ ràng quê hương Mỹ Hòa Hưng đã dần thay da đổi thịt. Chưa rợp cờ hoa, chưa treo nhiều bảng hiệu chào mừng ngày sinh của Bác Tôn, nhưng cù lao đã có thêm nhiều công trình xây dựng mang tầm vóc lớn.

Mỗi lần chúng tôi trở qua, xã lại có thêm điều mới. Những cây cầu, khu nhà, tuyến đường khang trang xuất hiện, trải dài theo hàng cây mát rượi của xã nông thôn mới. Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Chủ tịch Tôn Đức Thắng được nâng cấp, hàng năm thu hút trên 250.000 lượt khách tham quan, du lịch. Cồn Phó Ba và cù lao Ông Hổ đã được tỉnh, thành phố quy hoạch, xây dựng Đề án phát triển du lịch.

Nửa năm đầu 2018, Mỹ Hòa Hưng triển khai hàng loạt công trình xây dựng cơ bản, nỗ lực vượt bậc để nâng cao chất lượng sống cho người dân. Vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng đó đâu phải là lý do để họ chùn bước!

Niềm vui của các hộ dân khi được trao tặng nhà

Trong chuỗi hoạt động tổ chức kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đoàn phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên) tổ chức du khảo, tọa đàm, giao lưu với cựu chiến binh tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Chị Khưu Thùy Trang (Bí thư Đoàn phường Mỹ Quý) chia sẻ: “Diễn giả của buổi tọa đàm hôm ấy bao gồm: Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Mỹ Quý và xã Mỹ Hòa Hưng; bác Hà Thanh Liêm, đảng viên cao niên tuổi Đảng, hội viên Hội Cựu Chiến binh phường Mỹ Quý.

Bác Sáu Liêm tuổi đã cao, bị bệnh của người già nhưng vẫn rất nhiệt tình, rất vui vẻ khi chúng tôi hỏi xin ý kiến tổ chức hoạt động này. Vợ bác phải mang thuốc theo, để cho Bác uống khi cần thiết. Buổi sáng, chúng tôi chở 2 vợ, chồng bác qua Mỹ Hòa Hưng mà trong lòng thương 2 bác lắm!”.

Hôm ấy, họ đã trao đổi rất nhiều về những đau thương, mất mát trong chiến tranh; lòng quả cảm, yêu nước tô thắm trang sử vẻ vang cho dân tộc; những trận chiến chẳng thể nào phai nhòa trong lòng người lính già; những băn khoăn của một số bạn trẻ trong quá trình học tập, công tác ở thời điểm hòa bình. Trong không gian yên bình của làng quê Bác Tôn, người đi trước đối thoại, trao đổi và truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau, để cùng sống tốt hơn, bảo vệ và xây dựng quê hương bằng việc làm thiết thực nhất.

Vì tính chất công việc, anh Võ Đoàn Giang (sinh năm 1991, Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp An Giang) thường xuyên trình diễn những bài hát viết về Bác Tôn, thậm chí sáng tác ca khúc chủ đề nhớ Bác. Đặc biệt, anh là người Tiền Giang, chỉ mới về An Giang công tác mấy năm nay.

Thế nhưng, khi đã gắn bó với An Giang, anh bắt đầu tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, để có thể truyền cảm xúc, cả tâm hồn vào từng câu hát về Bác. Mỗi ca khúc mang cảm xúc riêng biệt, nhưng đều khiến anh tự hào về quê hương, cảm phục tấm gương của Bác.

 Đoàn viên, thanh niên và cựu chiến binh du khảo về nguồn tại xã Mỹ Hòa Hưng

“Khi về thăm Mỹ Hòa Hưng, nhìn thấy hình ảnh Bác thuở sinh thời, trong tôi dâng lên niềm tiếc thương sâu sắc. Bác không còn nữa, chỉ còn trong hình ảnh lưu niệm và tâm trí của người dân mà thôi. Biết rằng sáng tác ca khúc về Bác sẽ rất khó khăn, nhất là thế hệ trẻ như tôi, nhưng tôi vẫn cố gắng thể hiện tình cảm tôn kính đối với Bác bằng ca khúc “Về thăm Bác Tôn”.

Tôi nghĩ đến tuổi thơ êm đềm của Bác ở cù lao, nhưng đến khi đất nước thanh bình chẳng bao lâu, Bác đã ra đi mãi mãi, quê nhà vẫn luôn nhớ thương Bác. Chính hình ảnh ấy khiến câu hát “Ngày ngày hai buổi tan trường, hàng dừa soi bóng nghiêng che, bến ô môi xuôi con nước lớn ròng, mà hình dáng xưa nay đã không còn” bật lên trong tôi. Bài hát cứ vậy hoàn thành, là chút tấm lòng của người trẻ dâng lên Bác”- Anh Giang bộc bạch.

Trong không khí khắp nơi tưng bừng chào mừng 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, TP. Long Xuyên cũng thực hiện hàng chục công trình lớn nhỏ, đang cố gắng hoàn thành kịp tiến độ. Ngoài những công trình làm thay đổi bộ mặt đô thị ven sông, địa phương còn chú trọng đến một công trình rất nhân văn: xây dựng hàng loạt khu nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Mới đây nhất, tôi tham dự lễ trao nhà cho 8 hộ nghèo, cận nghèo phường Mỹ Phước. Họ là những người tứ cố vô thân, ở đậu nơi này nơi khác, không hề có nhà đất của riêng mình. Ngày được dọn vào nhà mới - căn nhà chỉ vài chục mét vuông nhưng thơm mùi ấm cúng - họ vừa khóc, vừa cười. Họ khóc vì nhớ đến quá khứ cơ cực, cả đời vẫn hoàn trắng tay, với bao đau khổ, đắng cay của phận sống tạm. Họ cười vì “bỗng dưng… có nhà”, “vui như trúng số”, cẩn thận lau dọn từng góc tường, đóng từng chiếc đinh lên vách trống.

Chị Nguyễn Thị Thiệp (36 tuổi) chia tay chồng, đem 3 đứa con về nuôi, sống chen chúc với cha, mẹ già và người em trai trong căn nhà thuê. Cả đời cha, mẹ chị còn chưa mua nổi nhà, nói gì tới người lỡ duyên, bệnh tật như chị. Mấy hôm nay, về ở trong căn nhà mới, chị bần thần hồi lâu trước vách tường sạch sẽ, chỗ bếp chưa vương khói.

Họ lam lũ kiếm sống, đâu biết nhiều về Bác Tôn, chỉ biết Bác từng làm Chủ tịch nước, quê ở Mỹ Hòa Hưng. Nhưng giờ đây, họ được địa phương chăm lo cuộc sống trong dịp sinh nhật 130 năm của Bác. Chuyện ý nghĩa ấy đã khắc sâu vào tâm trí họ, tạo dấu ấn quan trọng nhất trong đời họ. “Gia đình tôi càng biết ơn sự vĩ đại của Bác Tôn, biết ơn chính quyền địa phương khi chăm lo cho người nghèo một cách thiết thực như vậy”- chị Thiệp bày tỏ lòng mình, với đôi mắt chị lấp lánh niềm vui…

Chưa đầy 3 tuần nữa, ngày 20-8 sẽ đến. Các khâu chuẩn bị của tỉnh, các địa phương đang vào giai đoạn nước rút, với chuỗi hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục  - thể thao vui tươi, hấp dẫn. Mỗi nơi, mỗi người lại nhớ Bác Tôn theo cách của riêng mình. Nhưng tất cả nỗi nhớ đều được bộc lộ bằng một hành động nhân văn nhất: cùng giúp nhau, giúp quê mình phát triển; cùng làm tốt hơn công việc của bản thân, góp sức vào thành tích chung của địa phương.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG