Chương trình bộ môn Giáo dục công dân: Chú trọng xử lý tình huống thực tế

16/01/2018 - 14:38

Môn Giáo dục công dân giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Đạo đức và Giáo dục công dânlà môn học bắt buộc. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

 Theo Ban soạn thảo mục tiêu chung của môn Giáo dục công dân là giúp học sinh hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm, bảo vệ đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới, đặc biệt là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đó là năng lực phát triển bản thân; năng lực điều chỉnh hành vi đạo đức, năng lực điều chỉnh hành vi pháp luật; năng lực giải quyết vấn đề về kinh tế. Đây là những biểu hiện đặc thù của các năng lực chung như: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Trên cơ sở các định hướng đã nêu trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình môn Giáo dục công dân nhấn mạnh các quan điểm sau đây: Đảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tính thực tiễn và tính hệ thống; chú trọng tích hợp các nội dung giáo dục cơ bản, thiết thực, hiện đại về giá trị sống, kỹ năng sống, đạo đức, pháp luật…

Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt và các định hướng chung bắt buộc này, các tác giả sách giáo khoa, cơ sở giáo dục và giáo viên môn học được chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục cụ thể theo yêu cầu phát triển chương trình.

Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục công dân là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật và kinh tế. Ở tiểu học và trung học cơ sở, nội dung môn học định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Ở trung học phổ thông, nội dung chủ yếu là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, kỹ năng sống. Ngoài ra, trong mỗi năm học, những học sinh có định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học được chọn học một số chuyên đề nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của mình.

Giáo viên đánh giá kết quả giáo dục là đánh giá mức độ đạt được của học sinh về phẩm chất và năng lực so với các yêu cầu cần đạt đặt ra cho mỗi lớp học. Cách thực hiện trong Chương trình môn Giáo dục công dân là: Kết hợp đánh giá thông qua các nhiệm vụ học tập (bài kiểm tra, bài tập thực hành, bài tập nghiên cứu,... ) với đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi ứng xử của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động học tập được tổ chức trên lớp học, hoạt động nhóm, tập thể hay cộng đồng, cũng như trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày;

Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của phụ huynh học sinh và đánh giá của cộng đồng; Kết quả đánh giá sau mỗi học kỳ và cả năm học đối với mỗi học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo HOÀNG THANH (Infonet)