Chương trình giáo dục phổ thông mới: Đảm bảo cơ sở vật chất để triển khai học 2 buổi/ngày cấp Tiểu học

18/01/2019 - 19:14

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu ở cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, số giờ học đều giảm so với chương trình hiện hành, ở cấp Tiểu học, số giờ học lại tăng gần 300 giờ.

Nguyên nhân là do chương trình mới triển khai học 2 buổi/ngày đối với học sinh Tiểu học trên toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương còn băn khoăn khi triển khai vì số lượng phòng học chưa đáp ứng đủ yêu cầu cũng như còn lúng túng trong việc xây dựng nội dung học tập cụ thể trong một ngày một cách hợp lý, hài hòa giữa học tập và vui chơi, không tạo áp lực cho học sinh. 

Tăng giờ học, giảm thời lượng từng buổi

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết: Nhằm giảm tải cho học sinh ở Tiểu học, chương trình mới giảm một số môn học so với chương trình hiện hành. Lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4,5 có 11 môn học.


Học sinh trường tiểu học Tả Phìn (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) thực hiện phương pháp học tập theo nhóm. Ảnh: Việt Hoàng

Tuy nhiên, số giờ học của học sinh tiểu học lại tăng gần 300 giờ so với chương trình hiện hành. Cụ thể, trong chương trình mới, học sinh học 3.623 giờ còn chương trình hiện hành, học sinh học 3.329 giờ. Nguyên nhân của là do chương trình mới học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,3 giờ/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 3,8 giờ/buổi học.

Kế thừa chương trình hiện hành, chương trình mới tiếp tục dành thời lượng thích đáng cho việc học Tiếng Việt ở cấp Tiểu học, đặc biệt ở lớp 1, lớp 2 để bảo đảm học sinh đọc thông viết thạo, tạo tiền đề học các môn học khác. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số, việc có đủ thời gian học Tiếng Việt trong những năm đầu đến trường càng quan trọng. Thời lượng dành cho môn Tiếng Việt là 1.505 tiết (trung bình 43 tiết/tuần), chiếm 31% tổng thời lượng chương trình dành cho các môn học bắt buộc, bằng thời lượng học trong chương trình hiện hành.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng dẫn chứng: So sánh với chương trình nước ngoài, có thể thấy, Chương trình giáo dục phổ thông của bất cứ nước nào, thời lượng học tiếng mẹ đẻ/tiếng phổ thông, đặc biệt là ở cấp Tiểu học, cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Ví dụ như Nhật Bản, tổng thời lượng học Tiếng Nhật từ lớp 1 đến lớp 5 tương đương 2.063 tiết, nhiều hơn 523 tiết so với số giờ học Tiếng Việt ở Tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam. Hàn Quốc có tổng thời lượng học Quốc ngữ từ lớp 1 đến lớp 5 tương đương 1.879 tiết, nhiều hơn 339 tiết so với số giờ học Tiếng Việt ở Việt Nam.

Theo tài liệu Education at a Glance do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD công bố: Năm 2011, tỷ lệ trung bình các nước dành cho học đọc, học viết trong chương trình các lớp 9 – 11 tuổi (tương đương lớp 4, lớp 5 và lớp 6 của Việt Nam) là 23%. Năm nước dành tỷ lệ học đọc, viết cao nhất là Hà Lan (32%), Pháp (30%), Mexico (30%), Hungary (29%), Iceland (29%). Nếu quy ra số giờ hoặc số tiết, thời lượng dành cho học đọc, học viết ở Tiểu học của các nước này cao hơn thời lượng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam. Trong khi đó, học sinh ở phần lớn các nước đã được học đọc, viết từ trường Mầm non nên đã biết đọc, biết viết khá thành thạo khi vào lớp 1.

Đảm bảo điều kiện dạy học 2 buổi/ngày

Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định, cấp Tiểu học “thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Các cơ sở giáo dục Tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 

Ở cấp Tiểu học, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có trên 80% số học sinh trong cả nước đang được học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày do khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân. 

Theo báo cáo của các địa phương về thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học năm 2018, tỉ lệ trung bình phòng học/lớp ở cấp Tiểu học là 0,89 phòng/lớp; trong đó, tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 72,2%.

Băn khoăn về vấn đề phòng học, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Chỉ còn hơn 1 năm nữa, các địa phương áp dụng chương trình mới với lớp 1 nhưng đến thời điểm này, tỉnh vẫn còn tình trạng nhà tạm, chưa đủ điều kiện 1 phòng học/lớp để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Vì vậy, Nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ các tỉnh tiếp tục kiên cố hóa trường học cũng như mua sắm trang thiết bị phục vụ chương trình đổi mới. 

Ngoài nỗi lo về thiếu trường lớp, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai Nguyễn Anh Ninh, kế hoạch triển khai dạy học 2 buổi/ngày cụ thể như thế nào cũng là nỗi băn khoăn của không ít trường hiện nay. Vì theo chương trình mới, một ngày học sinh học 2 buổi, không quá 7 tiết. Như vậy, mỗi ngày sẽ còn thời lượng khoảng 1 giờ. Nếu cho học sinh tan trường sớm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đón con của phụ huynh. Nếu không, thời gian ấy các trường sẽ dạy gì, tổ chức các hoạt động như thế nào, hiện nay địa phương vẫn lúng túng. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể để các Sở triển khai có hướng triển khai phù hợp. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Để thực hiện được quy định của chương trình mới, bảo đảm cho con em các địa phương không thiệt thòi so với học sinh những nơi khác, các địa phương có thể chọn giải pháp cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông như quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội: năm học 2020 – 2021 ở lớp 1; năm học 2020 – 2021 ở lớp 2; năm học 2020 – 2021 ở lớp 3; năm học 2020 – 2021 ở lớp 4; năm học 2020 – 2021 ở lớp 5. Với trường hợp chưa sắp xếp đủ phòng học có thể bố trí thêm buổi học thứ 6 trong tuần để bảo đảm hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; không dạy các môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số; Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2). 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: Các trường đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày cần có kế hoạch sử dụng thời gian ngoài chương trình các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc một cách hợp lý để dạy các môn học tự chọn cho học sinh có nguyện vọng học; bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn những học sinh chưa đáp ứng các yêu cầu cần đạt; tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Theo VIỆT HÀ (TTXVN)