Chuyển biến tích cực từ ngôi trường vùng biên

16/10/2018 - 06:43

 - Là ngôi trường đặc biệt với đa số học sinh (HS) là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PT DTNT) THCS Tịnh Biên gặp không ít khó khăn trong công tác giảng dạy. Thế nhưng, với sự quan tâm hỗ trợ từ ngành giáo dục và địa phương, trường đã mang diện mạo mới từ đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất hiện đại đến phát triển mô hình nội trú cho HS địa phương.

Hiệu trưởng Trường PT DTNT THCS Tịnh Biên Đỗ Quốc Duy cho biết: “Trường được tách ra từ Trường THCS Cao Bá quát (khóm 2, thị trấn Chi Lăng) từ năm học 2014-2015. Buổi đầu trường không đủ phòng, lớp học phải mượn tạm cơ sở vật chất của Trường THCS Cao Bá Quát và THPT Chi Lăng để giảng dạy, đến tháng 8 vừa qua, trường được chuyển về trụ sở mới (khóm Đông Sơn, thị trấn Nhà Bàng). Với diện tích 7.530m2, 12 lớp học và 54 phòng ở nội trú, trường đã đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt khép kín cho 370 HS của trường. Đây là bước ngoặt quan trọng, tạo động lực phấn đấu cho cả thầy và trò”.

Chuyển biến tích cực từ ngôi trường vùng biên

Cơ sở mới tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập và sinh hoạt

Với đặc thù là ngôi trường vùng biên, có đến 95% HS là đồng bào DTTS Khmer, do vậy, việc đi lại, điều kiện học hành của các em còn lắm gian truân, nguy cơ bỏ học đối với HS tiểu học và THCS sẽ gia tăng nếu không có giải pháp phù hợp. Do vậy, ngay khi tiếp nhận cơ sở vật chất mới, trường đã nhanh chóng hoàn thiện mô hình nội trú. Trường đã nỗ lực để HS được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi đối với trường DTNT. Đặc biệt là tặng học bổng, bố trí chỗ ở, phục vụ ăn, uống, vui chơi, sinh hoạt, xe đưa, đón HS mỗi cuối tuần về thăm gia đình. Ghi nhận ý kiến từ phụ huynh và HS trong 2 tháng vận hành vừa qua, Hiệu trưởng nhà trường Đỗ Quốc Duy cho biết: “Đa số các em đều phấn khởi và đang làm quen với môi trường sinh hoạt tập thể. Với lứa tuổi còn nhỏ (khối THCS), các em còn bỡ ngỡ, nhớ nhà là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, trường luôn tạo điều kiện để các em vui chơi nhiều hơn sau giờ học. Đó chính là các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao (bơi lội, bóng chuyền, lớp kỹ năng sống, học chơi nhạc ngũ âm…) vừa giúp các em thư giãn, vừa giúp rèn luyện, học tập thêm nhiều điều bổ ích. Từ đó, bản thân các em không còn nhút nhát, trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động học tập và giao tiếp xã hội. Về phía phụ huynh, đa số hài lòng về cách giảng dạy, bố trí sinh hoạt, điều kiện ăn, ở cho con em ở trường. Họ cho biết, con cái có vẻ tự lập hơn, tăng tính tự giác trong học tập và sinh hoạt. Đặc biệt, với môi trường khép kín học và ở tại trường, họ hoàn toàn yên tâm, không lo sợ trẻ tụ tập, vui chơi lêu lỏng, sa đà vào games online hay các tệ nạn xã hội”.

Chuyển biến tích cực từ ngôi trường vùng biên

Lớp học buổi tối

Không chỉ thuận lợi cho HS và phụ huynh, với cách thức nội trú, nhà trường dễ dàng hơn trong quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp 36 người, tất cả đều nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý nền nếp sinh hoạt, giáo dục đạo đức cho HS, tự rèn luyện và nâng cao trí thức để đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với HS vùng đồng bào DTTS Khmer. Cùng với đó là các hoạt động tổ chức học nhóm vào buổi tối, tăng cường dạy tiếng Việt, tiếng Khmer, tiếng Anh, Tin học… Tất cả tạo nền tảng căn bản cho HS, giúp trình độ các em đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách giữa HS khá, giỏi và yếu, kém. Đặc biệt là việc phụ đạo thường xuyên nên không có tình trạng “HS ngồi bên lề lớp học”.

Hiệu trưởng nhà trường Đỗ Quốc Duy chia sẻ thêm: “Nhà trường sẽ phấn đấu hơn nữa để nâng cao thành tích, kết quả học tập cho các em, tạo kiến thức nền tảng cho các cấp học cao hơn. Cùng với đó, chúng tôi còn đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp phân luồng HS THCS, tăng cường thời lượng trao đổi với các em về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, giới thiệu về các trường nghề ưu tiên cho HS đồng bào DTTS, các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh để các em có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với nhu cầu lao động tại địa phương”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG