Chuyện chưa biết về cổng nhà có tượng 2 chú heo con

06/02/2019 - 07:00

 - Trong một lần tìm chị Đặng Thị Vẹn (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) để xin tư liệu viết bài báo Xuân Ất Dậu 2017, tình cờ tôi nhìn thấy cổng nhà có 2 chú heo con chỉ cách nhà chị hơn 60 bước chân.

Khi chuẩn bị lên đường gặp chủ nhân cổng nhà có tượng 2 chú heo con, tôi đã tìm xem điều lạ này có ở đâu và nắm một ít thông tin dự phòng có thể bị hỏi ngược từ gia chủ. Tôi nghĩ, chủ nhân cổng nhà này là một bậc cao niên rành về phong thủy, nên mới nghĩ đến điều lạ đời và khác người. Bởi vì, người ta thường đặt trên cổng nhà tượng chó, sư tử và cùng lắm là gà trống, ai lại chọn heo. Vì nói đến heo, nghĩ ngay đến tính lười biếng, ham ăn… mà điều này đặt trên cổng trước nhà thì không khéo hàng xóm dễ hiểu lầm.

Tượng 2 chú heo con trên cổng nhà anh Đặng Hồng Sơn

Khi tìm kiếm thông tin về phong thủy cũng chẳng thấy nói về tượng heo, ngoài một chi tiết nhỏ đề cập đến “heo bách hoa” phong thủy có khả năng hóa giải của tài linh, làm cho ngôi sao giàu có này trở nên sáng sủa, tốt đẹp hơn. Vì thế, nếu đặt “heo bách hoa” ở hướng Đông Nam trước phòng khách, phòng làm việc sẽ giúp gia đình, công ty thịnh vượng, nhưng không thấy nói đặt tượng heo trước cổng nhà, khiến tôi tò mò phải tìm cho ra câu trả lời vì sao lại chọn tượng heo?

Hôm đến nhà anh Đặng Hồng Sơn (ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) - chủ nhân tượng 2 chú heo con trên cổng nhà, tôi đi men theo đường nhỏ tráng xi-măng rợp bóng mát cây xanh nằm cặp con kênh nhỏ. Mang điều thắc mắc hỏi chủ nhân cổng nhà có tượng 2 chú heo con, anh Sơn cười mỉm: “Một lần tình cờ thấy heo đất bỏ ống xinh xắn, dễ thương bày bán bên đường, tôi ước phải chi có heo bằng gốm sứ mua về trang trí trong nhà. Lúc đó, tôi chợt nhớ đến người anh ở Đồng Nai và nhờ anh tìm mua giùm 2 tượng chú heo con gốm sứ để trang trí trên cổng nhà cho vui mắt”. Tôi cụt hứng, bởi như vậy thì chẳng khai thác được điều gì thú vị hơn, nhưng khi nghe tiếng kêu “eng éc” gọi máng phía sau nhà vọng ra, tôi mới biết anh đang chăn nuôi heo. Anh Sơn tâm sự: “Hồi xưa, không có ruộng đất, chỉ làm thuê, chắt mót, dành dụm được mớ vốn, không chộn rộn với những bon chen bên ngoài cổng nhà, chỉ chăn nuôi heo. Bước đầu nuôi 1-2 con, sau tăng đàn 7 con heo nái và duy trì đến nay”. Vì sao chọn con số 7, mà không là số 8 hay số 9? Anh Sơn cười ngất: “Tại con số 7 hên, mà hên thiệt, khi gia đình tôi trải qua 3 giai đoạn, từ nhà lá nền đất, rồi nhà gỗ mái tole, nay là nhà tường lót gạch bông cũng nhờ “heo đẻ trứng vàng”. Tôi đưa tượng heo lên cổng khi đang giai đoạn 2”. Nhớ chuyện phong thủy đặt “heo bách hoa” theo hướng Đông Nam đúng như hướng nhà nhìn ra dòng kênh của anh, tôi nói vui: “Biết đâu nhờ đặt tượng 2 chú heo con đúng hướng này mà anh làm ăn khá lên không chừng!”.

Phóng viên Báo An Giang và anh Đặng Hồng Sơn (bên trái) trước cổng nhà có tượng 2 chú heo con

Điều này cho thấy, dù chẳng biết gì về sự hóa giải những điều khắc kỵ trong phong thủy, nhưng khi đưa cặp heo con lên cổng nhà hình như chuyện làm ăn của anh trở nên khấm khá, song không loại trừ điều cốt lõi trong cuộc sống là sự lao động cần cù mang lại. Bây giờ, tôi mới hiểu anh đặt tượng 2 chú heo con trên cổng chỉ mang hình thức trang trí như một cách “bẹo hàng” trên bờ, ở đây có nuôi heo con và bán heo hơi.

Khi chia tay vợ, chồng anh Sơn lúc chiều xuống, tôi thấy vợ anh ngước nhìn ánh nắng còn đọng nhẹ trên tượng 2 chú heo con vàng ửng, rồi cười híp mắt nói với theo: “Biết làm ăn được như vậy, chắc tôi đặt tượng 2 chú heo con từ lâu”.

HOA NGHĨA ĐOÀN

 

Liên kết hữu ích