Chuyển dịch cây trồng ở “xứ nếp”

04/03/2019 - 07:38

 - Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giảm dần diện tích canh tác lúa nếp và tận dụng đất tạp, đất vùng lõm, bờ rào… trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, nền nông nghiệp huyện Phú Tân đã có những chuyển dịch đem lại tín hiệu bước đầu đáng phấn khởi.

Trồng dưa lưới công nghệ cao là mô hình đang phát triển ở nhiều địa phương. Nắm bắt thị trường có đầu ra ổn định, 2 nông dân Dương Hiếu Thảo và ông Trần Văn Muôn (xã Tân Hòa) đã hợp tác cùng thực hiện hệ thống nhà màng trồng dưa lưới đầu tiên trên địa bàn. Với chi phí đầu tư 400 triệu đồng, nhà màng có tổng diện tích 1.080m2, ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt của Israel. Việc bón phân kết hợp tưới nhỏ giọt hoàn toàn tự động, hầu hết được quản lý định giờ và cài đặt trên điện thoại di động. Sau 80 ngày gieo trồng, dưa bắt đầu cho thu hoạch, năng suất khoảng 4,5 tấn và được ký kết hợp đồng tiêu thụ giá 28.000 đồng/kg, trừ chi phí mang lại lợi nhuận 60 triệu đồng. Vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng năng suất, chất lượng vượt trội, được ký kết tiêu thụ nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Quan trọng nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp bền vững. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Nguyễn Thành Ân cho biết, các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã hỗ trợ ông Thảo và ông Muôn 100 triệu đồng để mở rộng diện tích lên 1.800m2 trồng dưa lưới trong mùa vụ tiếp theo.

Bí thư Huyện ủy Phú Tân Lâm Phước Trung tham quan nhà màng trồng dưa lưới tại xã Tân Hòa

Đậu nành rau được chọn là một trong những loại cây triển vọng để trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Sau những nơi thí điểm cho hiệu quả tích cực như: Tân Hòa, Tân Trung, Long Hòa, mới đây đậu nành rau đem đến niềm vui với nông dân Phú Xuân. Anh Nguyễn Minh Cảnh đang canh tác 4ha đậu nành rau, sau hơn 2 tháng trồng, năng suất đạt 1,7 tấn/ha, được Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) thu mua 10.500 đồng/kg, trừ chi phí mỗi công lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng. Anh Cảnh cho biết, trước đây anh chuyên trồng lúa nếp nhưng không đem lại hiệu quả cao. Ba năm trở lại đây, anh quyết định chuyển đổi trồng xen canh mỗi năm 1 vụ đậu nành rau + 2 vụ bắp góp phần tăng nguồn thu nhập khá hiệu quả. Điều anh an tâm nhất là đậu nành rau được tiêu thụ ổn định, nông dân không lo tình trạng bấp bênh về giá cả đầu ra. Chọn khởi nghiệp tại quê nhà, 2 thanh niên Nguyễn Lê Minh và Nguyễn Duy Trung (xã Phú Lâm) đã áp dụng kiến thức đã học để thực hiện mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng. Sau thời gian làm quen với thị trường, hiện nay rau sạch do 2 bạn hợp tác sản xuất đã có đầu ra ổn định tại 2 sạp chợ Tân Châu, ngoài ra còn cung cấp rau theo nhu cầu thương lái, khách hàng lẻ trong và ngoài địa phương. Để tạo lượng khách hàng tiêu thụ vững chắc, rau sạch giữ giá bán như ban đầu 30.000 đồng/kg. Hiện nay, 2 bạn đang tập trung vào chất lượng sản phẩm và ấp ủ mở rộng quy mô nhà màng. Ở xã Long Hòa, mô hình đa canh: nuôi bò, trùn quế, cá bống và các loại cây ăn trái của nông dân Lâm Minh Đức tuy chỉ mới ở giai đoạn khởi động nhưng được ngành chức năng rất quan tâm và đánh giá cao. Trong trang trại được đầu tư 10 tỷ đồng, anh Đức sản xuất trái cây sạch chỉ chăm bón từ trùn quế và tạo dựng thương hiệu riêng. Trang trại bò sử dụng phân nuôi trùn quế, xung quanh tận dụng trồng cỏ làm thức ăn cho bò, đào ao nuôi cá bống tượng, trồng các loại cây ăn trái lâu năm như: dừa, bưởi, mãng cầu. Đến nay, dừa dứa đã có đầu ra tạo thu nhập, cá bống được nuôi thuần từ thiên nhiên đã nhân giống nhiều lứa, anh tiếp tục thử nghiệm nuôi lươn và cho biết dự định nuôi thêm rắn mối, rắn hổ hành. Điều anh cần nhất là tiếp tục được ngành chức năng hỗ trợ vay vốn để mở rộng quy mô, đầu tư đến nơi đến chốn những dự định mà mô hình hướng tới.

Cuối năm 2018, Phú Tân đã chuyển đổi trên 280ha sang trồng cây ăn trái và các loại rau màu kết hợp áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Theo Bí thư Huyện ủy Phú Tân Lâm Phước Trung, một số mô hình sau thí điểm, tham quan đã có kế hoạch nhân rộng. Từ những vườn rau an toàn trong nhà lưới, nay huyện Phú Tân có thêm những mô hình mới, đồng thời tiếp tục phát triển diện tích cây ăn trái, ưu tiên là cam xoàn, bưởi da xanh, quýt đường. Bước đầu đã xác định đây là hướng đi đúng kết hợp với chăn nuôi phù hợp. “Quan trọng là nuôi con gì, trồng cây gì ổn định và có đầu ra là trăn trở của địa phương. Nếu sản phẩm có đầu ra ổn định với giá thu mua hợp lý của các doanh nghiệp, tinh thần là huyện không hạn chế. Hiện nay, huyện đang có kế hoạch giao các xã trao đổi, vận động, tuyên truyền bà con nông dân nhận thức để đăng ký. Trên cơ sở đó, các địa phương tổng hợp báo cáo huyện để huyện trình tỉnh điều chỉnh quy hoạch. Trong tương lai, huyện Phú Tân giữ lại khoảng 15.000ha trồng lúa nếp, còn lại chuyển sang cây trồng khác. Quan điểm là không nôn nóng, vừa học tập, nghiên cứu mô hình hay, cách làm hiệu quả, vừa tìm kiếm liên kết các doanh nghiệp. Người quyết định nhất vẫn là nông dân, không áp đặt, không theo phong trào mà phải chắc chắn, tiếp cận đầy đủ, gắn kết toàn diện”.

MỸ HẠNH