Chuyển đổi sản xuất thích ứng thị trường

11/11/2019 - 10:15

Những năm qua, nông dân huyện An Phú đã rất tích cực trong việc tiếp cận với những mô hình sản xuất mới, nhằm bắt kịp xu thế của thị trường, thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng hàng nông sản. Đến nay, hoạt động chuyển đổi sản xuất ở huyện biên giới này mang đến nguồn thu nhập khá cho người nông dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo đó, huyện An Phú hiện có gần 1.830 nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi cấp huyện. Hiện nay, toàn huyện có 13 mô hình làm ăn hiệu quả trên các lĩnh vực, như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xây dựng và phát triển nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, tiêu thụ hàng hóa nông sản... đáng được biểu dương và nhân rộng trong thời gian tới. Trong đó, nhiều nông dân đã có bước tiếp cận rất chủ động với các mô hình SXKD mới ngoài cây lúa. Tiêu biểu là mô hình trồng màu áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại các xã: Khánh An, Vĩnh Lộc, Phú Hữu, Phước Hưng. Điển hình là ông Bùi Văn Sang (ngụ xã Phước Hưng) đang canh tác 1.000m2 nhà màng theo chương trình hỗ trợ xã nông thôn mới. Ông Sang hiện đang trồng dưa lưới với thời gian sinh trưởng 75 ngày, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trong vụ thu hoạch đầu tiên, sau khi trừ chi phí ông lãi trên 80 triệu đồng. Đây được xem là mô hình tiêu biểu, thể hiện tư tưởng “dám nghĩ, dám làm” của nông dân An Phú trong việc tiếp cận với xu thế thị trường hiện nay.

Nông dân tích cực chuyển đổi sản xuất để nâng cao thu nhập

Tận dụng lợi thế vùng sông nước, nhiều nông dân đã “làm quen” với mô hình chăn nuôi thủy sản mới, trong đó có con tôm càng xanh. Nắm bắt nhu cầu thị trường địa phương, ông Trương Danh Lam (ngụ xã Vĩnh Hậu) đã mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong canh tác lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh. Hiện nay, ngoài 3,5ha lúa canh tác theo chương trình “1 phải, 5 giảm”, ông Lam còn thực hiện mô hình lúa-tôm trên diện tích khoảng 2ha đạt hiệu quả khá cao. Hàng năm, tổng lợi nhuận của ông Lam sau khi trừ các khoản chi phí đạt trên 240 triệu đồng. Với mức thu nhập này, ông Lam trở thành nông dân tiêu biểu của địa phương, bởi ông có tư duy sản xuất theo “kiểu mới”, sẵn sàng thực hiện ý tưởng của mình mà không ngại khó khăn và kết quả thu được rất khả quan.

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình sản xuất được nông dân huyện An Phú triển khai hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, tạo động lực cho phong trào nông dân SXKD giỏi tại địa phương, như: nuôi cá tra giống, nuôi cá chép giòn, nuôi gà an toàn sinh học, mô hình đa canh (trồng cây ăn trái kết hợp nuôi vịt trời và nuôi cá)… Tất cả đã góp phần tác động đến tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân huyện An Phú trong việc tiếp cận mô hình làm ăn mới để vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Tuy đạt được những kết quả tích cực trong chuyển đổi sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng phong trào nông dân SXKD giỏi ở huyện An Phú vẫn còn đối mặt với những khó khăn nhất định. Trong đó, một bộ phận nông dân có tư duy sáng tạo, năng động, thành đạt nhưng còn “thờ ơ” với phong trào. Bên cạnh đó, Hội Nông dân cấp cơ sở chưa đủ sức tập hợp nông dân, chưa thâm nhập, hướng dẫn, tuyên truyền và thu hút mọi người thi đua SXKD giỏi. Ngoài ra, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn mới và cần vốn đầu tư cao nên nông dân còn tư tưởng ngán ngại, nên chưa dám thực hiện.

Trước thực trạng đó, Hội Nông dân huyện An Phú xác định sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân hăng hái tham gia phong trào. Hội Nông dân các cấp phải thể hiện vai trò nòng cốt, tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ các ngành tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình trình diễn để nông dân nhận thấy được tính hiệu quả trên thực tế, từ đó thay đổi cách thức để làm theo. Trong quá trình tiếp cận với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần đảm bảo nguyên tắc “dễ làm trước - khó làm sau, rẻ làm trước - đắt làm sau”…

Với mục tiêu tiếp tục đưa phong trào nông dân SXKD giỏi phát triển sâu rộng, Hội Nông dân huyện An Phú sẽ nỗ lực vận động hội viên, nông dân hăng hái thi đua, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện đầu nguồn.

THANH TIẾN