Chuyên gia WHO: 'Việt Nam có hệ thống phòng chống lao rất tốt'

30/07/2018 - 14:31

Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp trong công tác phòng chống, điều trị để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

iến sỹ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Vừa qua, đoàn đại biểu cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do tiến sỹ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu dẫn đầu đã có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn tiến sỹ Tereza Kasaeva để hiểu rõ hơn những đánh giá và hỗ trợ của WHO cho Việt Nam trong công tác phòng chống lao thời gian tới.

- Những năm qua, với sự hỗ trợ của Chương trình Lao toàn cầu, công tác phòng chống bệnh lao tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về kỹ thuật công nghệ lẫn phương thức tổ chức thực hiện hiệu quả. Bà có chuyến đi tới Việt Nam lần này nhằm mục đích gì?

Tiến sỹ Tereza Kasaeva: Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ từ ngài Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới tới các nước thành viên để đánh giá tình hình mắc lao tại quốc gia này, từ đó để có các chính sách hỗ trợ cho các quốc gia thành viên.

Khi đến Việt Nam, tôi nhận thấy Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao còn cao, nhưng Việt Nam có hệ thống phòng chống lao rất tốt từ Trung ương tới tuyến cơ sở. Điều đó thể hiện cam kết cao từ cấp lãnh đạo cũng như chương trình phòng chống lao của Việt Nam.

Lao là gánh nặng bệnh tật toàn cầu, là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong đứng số một trong số các bệnh truyền nhiễm trên thế giới.

Do đó, chúng tôi muốn hỗ trợ để Việt Nam cải thiện hơn nữa hoạt động trong công tác phòng chống lao thông qua hoạt động hỗ trợ về mặt kỹ thuật của WHO. 

- Bà đánh giá như thế nào về công tác phòng chống lao tại Việt Nam hiện nay?

Tiến sỹ Tereza Kasaeva: Tôi thấy, chương trình chống Lao của Việt Nam có hệ thống tổ chức tốt, kể cả về điều trị cũng như chăm sóc cho bệnh nhân lao.

Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ triển khai thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý có sự hỗ trợ về mặt xã hội cho bệnh nhân lao. Đặc biệt, không để họ rơi vào khó khăn về mặt tài chính, chi phí thảm họa do bệnh tật gây ra.

Đầu tiên, Việt Nam phải có biện pháp phòng ngừa. Thứ hai, phải có biện pháp hỗ trợ cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương, người nghèo, thanh niên ít được tiếp cận dịch vụ sàng lọc lao, người suy dinh dưỡng. Chúng ta phải lồng ghép mang tính chất hỗ trợ xã hội cho đối tượng này.

Việt Nam cần nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân về bệnh lao để người dân biết bệnh lao là gì, có ý thức hơn trong việc giữ gìn sức khỏe phòng chống bệnh lao.

Bởi thực tế, 1/3 dân số trên thế giới nói chung có vi khuẩn lao trong cơ thể nhưng không phải ai cũng có thể phát triển thành bệnh lao. Vì thế, người dân cần chú ý nhận thức để có biện pháp bảo vệ để không cho vi khuẩn lao phát triển thành bệnh.

Việt Nam cũng nên tổ chức nâng cao nhận thức cộng đồng như “Chạy vì sức khỏe” mà các bạn tổ chức trong thời gian qua. Song song đó, vai trò lãnh đạo quan trọng như bảo đảm nguồn tài chính bền vững lâu dài, sự hợp tác đa ngành trong công tác phòng chống lao. 


Ứng dụng nhiều kỹ thuật cao phục vụ chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh lao. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

- Bà có thể cho biết để chấm dứt bệnh lao, Việt Nam cần làm những gì?


Tiến sỹ Tereza Kasaeva: Muốn thực hiện thành công chấm dứt đại dịch lao thì chúng ta không được bằng lòng với những cái chúng ta có. Chúng ta phải nỗ lực hơn, phải hướng tới cách tiếp cận mới, để làm sao mà có sự tham gia một cách sâu rộng hơn, toàn diện hơn của các đơn vị có liên quan, và sẽ ưu tiên hóa các lĩnh vực can thiệp của mình trong công tác phòng chống lao. Đặc biệt là hỗ trợ cho nhóm bệnh nhân nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương.

Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ tập trung vào những nội dung gồm tăng cường hơn nữa hoạt động sàng lọc, phòng chống lao với mục tiêu chấm dứt bệnh lao sớm bằng các dịch vụ chẩn đoán có chất lượng cao cho mọi đối tượng bệnh nhân lao ở tất cả các thể.

Khi làm được việc này, chúng ta bảo đảm toàn dân được tiếp cận dịch vụ y tế. Tiếp theo, Việt Nam cần sự hợp tác liên ngành, đa ngành, thể hiện sự cam kết của các cấp lãnh đạo.

Tôi tin tưởng Việt Nam là nước đi tiên phong trong lĩnh vực này. Chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu chúng ta mong đợi vào năm 2030.

- Tiến sỹ có thể cho biết, trong thời gian tới, WHO sẽ tiếp tục có những hỗ trợ gì với công tác phòng chống lao tại Việt Nam?

Tiến sỹ Tereza Kasaeva: Chúng tôi tới Việt Nam với mục tiêu đánh giá thực trạng, khó khăn, lợi thế cũng như hạn chế của Việt Nam trong công tác phòng chống lao. 

Trên cơ sở đó, chúng tôi hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực trong chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu về lao thông qua hỗ trợ về kỹ thuật. 

Chẳng hạn như việc tăng cường hệ thống giám sát bệnh lao, hỗ trợ xây dựng hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị, đào tạo, nâng cao năng lực. Quan trọng chương trình chống lao quốc gia cần có cách thức phối hợp nhiều tổ chức trong nước tham gia vào công tác phòng chống lao này.

Xin trân trọng cảm ơn tiến sỹ Tereza Kasaeva.

Theo THÙY GIANG (VIETNAM+)