Chuyện nông thôn mới ở huyện điểm Thoại Sơn

08/10/2018 - 07:40

 - Ở An Giang, Thoại Sơn vinh dự được chọn làm huyện điểm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2011 đến nay. Hơn 7 năm bắt tay vào cuộc “cách mạng” NTM, vùng đất thuần nông còn nhiều thiếu thốn, khó khăn khi xưa, giờ đây đã đổi thay đến bất ngờ. Từ hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiện đại, năng động đến đời sống người dân ngày một cải thiện, nghĩa xóm tình làng vì thế cũng ngày càng thắt chặt hơn.

Kỳ 1: Huyện thuần nông xây dựng nông thôn mới

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng NTM

Tính đến thời điểm hiện tại, Thoại Sơn có 11/14 xã đạt chuẩn NTM, còn 3 xã dự kiến phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018 là Vọng Thê, Phú Thuận và Mỹ Phú Đông. Đây là thành quả to lớn, xứng đáng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn. Dù nói người dân có vai trò cốt lõi trong xây dựng NTM. Nhưng để vực dậy và “đánh thức” vai trò ấy cần lắm sự lãnh, chỉ đạo đầy trách nhiệm và tâm huyết của các cấp ủy Đảng và chính quyền ở địa phương. Với quyết tâm “thay áo mới” cho nông thôn, kéo gần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, dưới sự lãnh, chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Thoại Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, sâu sát, phù hợp với đặc thù của địa phương. Đó là Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 22-7-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thoại Sơn về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2016-2020) hay Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 16-6-2017 của UBND huyện về việc tổ chức phong trào thi đua “Thoại Sơn chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020…

Thoại Sơn với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện

Thoại Sơn với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện

Có thể nói, NTM thành công hay không thì vai trò của người dân luôn rất quan trọng. Vì thế, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương luôn quan tâm, đưa ra những giải pháp phù hợp, tạo điều kiện để người dân ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Một trong những điểm quan trọng chính là công tác tuyên truyền. Làm thế nào để phát huy vai trò làm chủ của người dân, để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, từ đó người dân mới nâng cao trách nhiệm, cùng Đảng, Nhà nước ra sức dựng xây NTM – nhiệm vụ lớn mà những người đứng đầu huyện Thoại Sơn luôn quan tâm. Song song đó, huyện thường xuyên củng số, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện và cấp xã với những kế hoạch, lộ trình, trách nhiệm cụ thể. Hiện, Ban Chỉ đạo của huyện do Chủ tịch UBND huyện là Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Phó Trưởng ban Thường trực, Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch làm Phó Trưởng ban, cùng với đó là 34 thành viên là lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan và 14 thành viên là Chủ tịch UBND của 14 xã. Phải nói rằng, cán bộ, đảng viên phụ trách NTM luôn là người có tâm huyết, phát huy tính năng động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm, đặc biệt là tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hành động.

Nông thôn thay áo mới!

Đó là câu nói nhiều người phải thốt lên khi về Thoại Sơn hôm nay. Huyện thuần nông ngày nào giờ đang từng bước chuyển mình và khẳng định với mọi người về những thành tựu NTM đã đạt được. Kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, các hình thức sản xuất được đổi mới hiệu quả, kết cấu hạ tầng tăng cường và phát triển rõ rệt. “Trước đây, cuộc sống nơi đây rất khó khăn. Đường sá, cầu cống các thứ hầu như đều xuống cấp. Những hôm trời mưa dầm, người lớn đi còn té, nói gì đến trẻ nhỏ. Nhưng nay cảnh đó đã không còn nữa, cầu bê-tông kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, đường đất lầy lội ngày nào giờ được tráng nhựa, bê- tông vững chãi. Được địa phương tích cực tuyên truyền về NTM, tôi cũng dần hiểu được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Hễ địa phương kêu gọi chung tay xây dựng bất cứ cây cầu bê tông nào, tôi đều ủng hộ và đóng góp mỗi cây cầu trị giá 10 triệu đồng. Không những vậy, tôi còn tích cực ủng hộ địa phương cất nhà cho hộ nghèo và đóng góp công sức để công trình sớm hoàn thành. Giờ có tuổi rồi, giúp được gì để quê hương ngày càng phát triển, tôi đều sẵn lòng!” – chú Thái Văn Oai (sinh năm 1943, ngụ ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn) chia sẻ.

Hiện, 100% số xã địa bàn huyện đều có đường ôtô đến trung tâm xã, có đường liên xã, liên ấp được nhựa hóa và bê-tông hóa. Toàn huyện có 326 trạm bơm điện, đảm bảo bơm tiêu trên 90% tổng diện tích sản xuất, phục vụ tốt nhu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt người dân. Huyện có 13 trường đạt chuẩn quốc gia và có tổng số 22 chợ, trong đó 19 chợ đạt chuẩn chợ loại 3. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2017 là 139.885 người, đạt 76,79% (tăng 117.934 người so với năm 2008). Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 15,6 triệu đồng/năm thì đến năm 2017 đạt trên 41 triệu đồng/năm… Tất cả đã cho thấy sự chuyển mình thật sự hiệu quả và quyết tâm của Thoại Sơn. Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm nhận định, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM, đã có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Điển hình là mô hình Quỹ khuyến học – khuyến tài của huyện, đến nay có 3 quỹ được thành lập gồm Quỹ khuyến học – khuyến tài: Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, Trường THCS Định Mỹ và thị trấn Núi Sập. Kế hoạch đến cuối năm 2019, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thành lập, ra mắt quỹ. Ngoài ra còn có mô hình “Mượn vốn nuôi bò vỗ béo” xã Vĩnh Trạch, thành lập năm 2012. Đến nay, hỗ trợ được 74 lượt hộ với số tiền từ 15 – 25 triệu đồng/hộ, góp phần giúp người dân thoát nghèo. Hay mô hình cất nhà cho hộ nghèo của Hội Mái ấm tình thương, thành lập năm 2008. Hiện đã xây dựng 2.000 căn nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 45 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa đã góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí 9, 11 về nhà ở và hộ nghèo. Vậy là, “chiếc áo” NTM của Thoại Sơn đang dần hoàn thiện, hứa hẹn viết tiếp truyền thống vẻ vang, xứng đáng với những danh hiệu mà Thoại Sơn đã đạt: “huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (2000), “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” (2009). Và, sắp tới đây sẽ là “Anh hùng NTM”.

(Còn tiếp)

Kỳ 2: Nông thôn mới – thực trạng và thách thức

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN