Chuyện tìm kiếm “kình ngư”

26/12/2018 - 07:53

 -  Những năm qua, bơi lội An Giang được xếp vào tốp đầu khu vực ĐBSCL ở các giải trẻ, giải nhóm tuổi. Đó là kết quả từ quá trình đào tạo bài bản cùng nỗ lực của ngành chuyên môn trong việc “đãi cát tìm vàng”.

Các vận động viên đang tập luyện

Là người gắn bó lâu dài với bộ môn bơi lội tỉnh, huấn luyện viên (HLV) Huỳnh Thanh Hà (Trường Năng khiếu thể thao An Giang) cho biết: “Bơi lội là bộ môn thể thao đặc thù, đòi hỏi quá trình tuyển chọn, huấn luyện vận động viên (VĐV) hết sức công phu. Bởi, lứa tuổi đủ để tuyển chọn 1 VĐV năng khiếu bơi từ 6 tuổi trở lên, trong khi các môn thể thao khác không cần sớm như vậy. Ở độ tuổi này, các cháu đã bộc lộ các tố chất cần thiết để phát triển kỹ năng bơi lội. Tuy nhiên, quá trình tập luyện lại đóng vai trò then chốt trong việc hình thành nên những “kình ngư” tên tuổi cho môn bơi lội”.

Hiện nay, HLV Huỳnh Thanh Hà đang huấn luyện 14 VĐV tại Trường Năng khiếu thể thao An Giang. Những năm qua, ông Hà đã tích cực tuyển chọn, huấn luyện, cung cấp cho tuyến trẻ tỉnh nhà những VĐV chất lượng. Qua đó, góp phần nâng chất bộ môn bơi lội để An Giang gặt hái thêm những thành công ở sân chơi quốc gia và có nhiều VĐV bơi lội tập trung đội tuyển trẻ quốc gia.

Hiện tại, An Giang đã và đang có những cái tên rất triển vọng trong môn bơi lội ở cấp quốc gia, như: Kiên Ngọc Thúy, Nguyễn Trung Quân, Đỗ Chí Trung hay Đặng Ái Mỹ, Phạm Thị Hồng Gấm, Phan Thị Tố Uyên, Võ Văn Triết cho thấy nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để có được những “kình ngư” xuất sắc, những người tâm huyết với môn bơi lội phải nỗ lực trong công tác tuyển chọn. “Chúng tôi có 2 nguồn VĐV để tuyển chọn là các lớp năng khiếu bơi trọng điểm và ngoài trọng điểm. Theo đó, chúng tôi có mở lớp năng khiếu bơi tại Tri Tôn, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, Châu Phú với số lượng 6 VĐV/lớp và 1 HLV. Các em sẽ tập 3 buổi/tuần theo giáo án của Trường Năng khiếu thể thao và chúng tôi có những lần kiểm tra chất lượng định kỳ. Nếu các em đạt yêu cầu sẽ tuyển vào lớp năng khiếu bơi của trường, ngược lại buộc phải đào thải. Với nguồn VĐV ngoài trọng điểm, chúng tôi được Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương hỗ trợ để đến trường tiểu học tuyển chọn VĐV theo tiêu chí của mình” - ông Hà giải thích.

Tuy nhiên, công tác tuyển chọn cũng không thực sự thuận lợi bởi độ tuổi VĐV còn khá nhỏ nên đa số phụ huynh không ủng hộ. Do đó, các HLV phải nâng độ tuổi của VĐV năng khiếu bơi lên 8 tuổi. Ngoài ra, việc phải đi các địa phương tìm kiếm, tuyển chọn VĐV đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. “Khi đã có những VĐV năng khiếu, chúng tôi phải bỏ ra 3-4 năm đào tạo mới có thể nâng các em lên tuyến trẻ. Khi đã lên tuyến trẻ, các em phải nỗ lực tập luyện thêm 3-4 năm mới có đủ khả năng giành huy chương ở các giải đấu cấp quốc gia. Do đó, phải mất từ 7-10 năm mới đào tạo được 1 “kình ngư” tốt, có thể cạnh tranh các giải quốc gia, quốc tế” - ông Hà khẳng định.

Vì thế, công tác tìm kiếm tài năng bơi lội của Trường Năng khiếu thể thao tỉnh diễn ra liên tục nhằm đảm bảo tính kế thừa giữa các lứa VĐV. Thời điểm này, HLV Huỳnh Thanh Hà đang đào tạo lứa VĐV hướng tới Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc năm 2022, đồng thời tích cực đào tạo những “kình ngư” dành cho thời điểm sau năm 2022. “Hiện tại, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch quan tâm phát triển phong trào bơi lội, thông qua nhiều hội thi hay công tác phổ cập bơi được thực hiện đại trà ở các địa phương. Đó là điều kiện để chúng tôi mở rộng nguồn VĐV năng khiếu. Hướng tới, chúng tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm, huấn luyện các VĐV nhằm cung cấp thêm những “kình ngư” triển vọng cho bơi lội tỉnh nhà” - HLV Huỳnh Thanh Hà khẳng định.

THANH TIẾN