Chuyện về thợ điện vùng biên

06/11/2018 - 08:25

Vùng biên giới còn nhiều khó khăn, điều kiện về mọi mặt chưa bằng những nơi khác nhưng những người “lính áo cam” vẫn luôn tận tụy, hoàn thành tốt công việc, bảo đảm cung cấp đầy đủ điện cho mọi người, mọi nhà tại nơi đây.

A A

Vào mùa lũ, thợ điện phải chèo xuồng ra giữa đồng để sửa chữa

Nghe là đi

Một ngày mới bắt đầu của nhân viên Đội Quản lý vận hành thuộc Điện lực huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An (hoạt động trên địa bàn thị xã Kiến Tường, cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất cho thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa) từ rất sớm, sớm hơn những đồng nghiệp khác cùng đơn vị. 6 giờ 45 phút, các anh em trong đội phải có mặt đầy đủ, tham gia sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ trước khi làm việc. Họ được đội trưởng quán triệt từng công việc cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ trong ngày và luôn sẵn sàng có mặt để xử lý tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Trước khi xuất phát, anh em trong đội phải kiểm tra kỹ lưỡng các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết, phục vụ công việc cho ngày mới.

Dù ngày hay đêm, bất kể thời gian nào, thời tiết ra sao, việc cung cấp đầy đủ điện cho người dân, xử lý các sự cố mất điện luôn được anh em trong đội đặt lên hàng đầu. Mọi người, ai cũng như ai, hiểu được tầm quan trọng của công việc mình thực hiện, từ đó, cố gắng làm cho thật tốt, nghe có sự cố là đi!

“Thời gian trôi đi nhanh thật, mới đó mà mình đã có 16 năm gắn bó với chiếc áo cam này rồi” - anh Huỳnh Văn Chương - nhân viên Đội Quản lý vận hành thuộc Điện lực huyện Mộc Hóa, chia sẻ. Anh tiếp câu chuyện về những vui, buồn khi gắn bó với nghề này. Năm 2002, anh về đầu quân cho Điện lực huyện Mộc Hóa và công tác tại đây từ đó cho đến bây giờ. Công việc chính của anh là bảo đảm cung cấp đầy đủ điện cho người dân, xử lý các sự cố liên quan, thay lắp, vận hành, bảo trì hệ thống lưới điện trên toàn địa bàn.

Thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa có địa bàn tương đối rộng nhưng hầu hết người dân ở 2 địa phương này đều biết đến anh, nhất là người dân tại các xã biên giới. Những năm trước đây, các địa phương này khó khăn về mọi mặt, cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ thứ và điện là một trong số đó. Nhờ những chú “lính áo cam” mang ánh sáng văn minh đến cho vùng mà địa phương có điều kiện phát triển KT-XH.

Anh Chương kể, ngày mới vào nghề, mình trẻ nên luôn phấn đấu, xung phong và có mặt tại hầu hết các xã biên giới, “ăn dầm nằm dề” ở đây! Việc cấp điện cho vùng biên giới tương đối vất vả, địa bàn rộng, đường giao thông hầu như là đất, đá đỏ, nhà của người dân rải rác nằm hun hút trong những cánh đồng xa và nếu không phải đến vùng này thường thì khó có thể nhận biết được.

Rồi anh em nhìn nhau, tự hiểu, cùng nhau cố gắng làm việc, đưa điện sớm về với người dân. Ngày qua ngày, bất kể sớm hôm, thời gian như thế nào, nhận được tin báo của người dân vùng biên bị mất điện là đi ngay! Chúng tôi tức tốc đến kiểm tra, khắc phục kịp thời để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo anh Chương, thợ điện vùng này vất vả lắm, nhất là vào mùa mưa. Chúng tôi di chuyển rất linh hoạt, đi xe máy, đi xuồng và nhiều lúc phải “cuốc” bộ hơn tiếng đồng hồ vào nơi để sửa điện là chuyện bình thường. Mùa lũ thì dùng xuồng, ghe để di chuyển là chuyện như cơm bữa. Còn chuyện sửa điện vào buổi tối hôm trước nhưng về đến nhà sáng hôm sau thì diễn ra thường xuyên. Nhà người dân ở xa, nhận được tin báo mất điện chập tối, mình lên đường ngay, tới nơi hơn 21 giờ, làm việc và quay trở về tới nhà thì cũng đã 2 giờ sáng ngày hôm sau.

“Khó khăn là vậy nhưng yêu nghề, tôi luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thật tốt. Nhìn thấy người dân có điện, cười tươi rói, cảm ơn ríu rít, mọi mệt nhọc hầu như đối với tôi không còn nữa. Chừng ấy năm trong nghề cũng là chừng ấy năm tôi gắn bó với việc cấp điện, sửa điện và nhiều lúc sửa nhà, chằng chống mái tôn cho người dân biên giới. Đến giờ, tôi nhớ rõ từng con đường dẫn vào nhà của từng hộ dân các xã biên giới. Và ở đây, anh em nào cũng vậy, khi nghe người dân nơi này báo mất điện thì biết ngay vị trí cần đến” - anh Chương chia sẻ.

16 năm làm nghề, 16 năm anh Huỳnh Văn Chương gắn với vùng biên giới

Bà Trần Thị Yến, người dân xã biên giới Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, cho biết: “Hôm rồi, nhà tôi hư điện tầm 8 giờ tối. Trong khi đó, sáng hôm sau gia đình có đám cần dùng điện nên tôi gọi báo tổng đài bị mất điện (bình thường thì tôi để hôm sau mới báo). Thế là tích tắc trong vòng 2 tiếng đồng hồ, mấy chú bên điện lực xuống tới. Họ làm việc tích cực, khắc phục xong cũng gần 11 giờ đêm. Nhìn mấy chú ra về trong đêm mà tôi cảm động và đoán biết chắc họ về tới nhà cũng qua ngày mới”.

Vì là “lính áo cam”

Tạm chia tay những anh em Đội Quản lý vận hành thuộc Điện lực huyện Mộc Hóa, chúng tôi tiếp tục men theo Đường tỉnh 831 về huyện Vĩnh Hưng. Theo sự chỉ dẫn của Điện lực huyện Vĩnh Hưng và người dân, chúng tôi cũng đến được vị trí nhân viên Đội Quản lý vận hành thuộc Điện lực huyện Vĩnh Hưng đang làm nhiệm vụ tại xã biên giới Hưng Điền A.

Mùa này, Hưng Điền A cũng như các địa phương khác thuộc vùng Đồng Tháp Mười, nhìn đâu đâu cũng toàn nước “ôm” nước. Giữa cánh đồng mênh mông, trắng xóa ấy, hình ảnh chiếc áo cam nổi lên thật đặc biệt. Hai nhân viên của đội đang chèo xuồng để sửa điện cho người dân ở đây. “Mùa này, ở đây là vậy! Chúng tôi đi sửa điện hầu như bơi xuồng ra giữa ruộng để làm. Sáng giờ, 2 anh em sửa điện cho hơn 10 hộ dân trong vùng này. Ở đây, ai cũng vui vẻ cả. Chúng tôi chạy xe máy lên rồi mượn xuồng của người dân, tự chèo vào các trụ điện để kiểm tra, khắc phục sự cố” - anh Nguyễn Trung Bình mở lời trước sự ngạc nhiên của chúng tôi.

Trong đội, anh Bình thuộc diện còn “non” nghề, mới vào làm việc và bám vùng biên giới này vỏn vẹn 8 năm. Là người trẻ, ngoài nhiệt tình, xông xáo, anh luôn học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để hoàn thiện mình. Vì thế, không khó hiểu rằng, trong từng ấy năm công tác, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đơn vị giao.

Anh Bình cho rằng, thợ điện vùng biên ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, cần trang bị thêm các kỹ năng: Bơi, lặn, chèo xuồng,... Và điều quan trọng nhất chính là yêu công việc của mình. Tuy làm điện vùng này có nhiều thiếu thốn nhưng thoải mái, vui vẻ. Vui vì mình hỗ trợ, góp phần giúp người dân lúc nào cũng có điện sử dụng, được người dân quý mến.

Thợ điện vùng biên cũng không thật sự dễ dàng, anh em ở đây phải thích nghi với mọi hoàn cảnh. Công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi, di chuyển bằng xe máy đến tận nơi, nhiều lúc lội bộ khá xa, hay như mùa lũ phải dùng xuồng, bơi ra giữa ruộng nước để sửa chữa điện.

“Tôi nhớ nhất trong từng ấy năm làm thợ điện, chính là lần đầu tiên đi sửa điện cho người dân xã biên giới Hưng Điền A. Hôm ấy, tôi cùng một đồng nghiệp nhận nhiệm vụ và đến tới nơi cũng hơn 8 giờ tối. Biên giới vào buổi tối thường khá yên tĩnh, vắng lặng, thực hiện xong công việc khoảng 9 giờ tối, 2 anh em đèo nhau ra về. Đi được quãng đường ngắn, bỗng 4-5 người ra chặn lại. Họ rọi đèn pin vào sát mặt 2 anh em, không nói cũng không rằng, im lặng bỏ đi. Lúc đó, 2 anh em sợ tím tái hết cả mặt, phi xe một hơi, không dám nhìn lại phía sau. Hôm sau, ngồi kể lại toàn đội nghe, tôi vẫn còn sợ xanh mặt, còn anh em có kinh nghiệm cười phá lên. Tôi hỏi sao mấy người đó bỏ đi? Mấy anh trả lời vì là... “lính áo cam”. Sau này, mới biết, thợ điện vùng biên được người dân quý mến, lúc đầu mấy người kia chặn lại cũng không biết như thế nào nhưng khi họ rọi đèn pin vào mình, nhìn thấy mình mặc bộ đồ của thợ điện nên họ không nói gì, im lặng cho đi” - anh Bình vui vẻ chia sẻ thêm về kỷ niệm khi làm nghề.

Qua những câu chuyện về nghề, cuộc sống và những trải nghiệm của những người thợ điện, chúng ta mới biết, đem được điện, thắp sáng những vùng sâu, vùng xa, biên giới chưa bao giờ dễ dàng. Những người “lính áo cam” ở vùng này, hàng ngày, hàng giờ luôn cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ để bảo đảm cung cấp đầy đủ điện cho người dân.

Thợ điện vùng này nhiệt tình, tận tụy lắm! Chúng tôi bị hư điện, báo tổng đài thì một chút sẽ có nhân viên đến sửa ngay. Họ còn giúp đỡ chúng tôi sửa nhà, chằng chéo mái tôn. Người dân biên giới ai cũng quý mến những chú “lính áo cam” này”.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, ngụ ấp Bình Tứ, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng

Theo ĐỨC MINH (Báo Long An)