Chuyện xã hội hóa ở phường ven đô

04/07/2018 - 07:13

 - Phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) nằm ở ven đô, vừa mang nét đặc trưng của phố thị, vừa có chút trầm lắng của vùng nông thôn. Là địa phương có nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, Mỹ Thới đi đầu trong sản xuất lúa Nhật chất lượng cao ở TP. Long Xuyên. Nét đặc trưng ấy góp phần giúp địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc vận động xã hội hóa, huy động sức dân vào các công trình phục vụ lợi ích cho người dân.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỹ Thới Lý Thùy Giang “khoe” với tôi 2 đầu công việc nổi bật mà địa phương đã làm được trong nửa năm đầu 2018, liên quan đến xã hội hóa. Thứ nhất, các Mạnh Thường Quân, tổ chức, cá nhân đã đồng tình, tích cực tham gia đóng góp lắp đặt hệ thống chiếu sáng các tuyến đường, hẻm chưa có hệ thống chiếu sáng. Công trình này được coi là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng phường “Văn minh đô thị” của thành phố.

Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, phường đã vận động và thực hiện được tại 5/10 khóm, kinh phí vận động trên 130 triệu đồng; lắp đặt trên 9 tuyến đường, hẻm với 53 bộ cần đèn chiếu sáng. Sau đó, địa phương sẽ tiếp tục vận động Nhân dân, Mạnh Thường Quân trong và ngoài phường đóng góp kinh phí, vật tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng và Camera ở các tuyến đường, hẻm còn lại.

Thứ hai là công trình xây dựng kè đường. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với ảnh hưởng do thiên tai gây ra (như lốc xoáy, diễn biến thời tiết thất thường mưa giông, mưa nhiều sớm hơn mọi năm và lũ về...), UBND phường đã chủ động rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để tuyên truyền, vận động người dân khắc phục trước. Trong đó, đối với đoạn sạt lở dưới 50m, phường chủ động vận động cừ tràm và lên phương án gia cố tạm, huy động nhân lực từ quần chúng tham gia ngày công lao động.

Đến nay, đã gia cố tuyến đường ở khóm Long Hưng 1 với chiều dài gần 50m, sử dụng 1.500 cây tràm, tổng kinh phí trên 65 triệu đồng. Ở tổ 10, khóm Trung Hưng, địa phương lên phương án thiết kế gia cố bờ kè và nâng cấp giao thông, tạo điều kiện đi lại cho bà con, kinh phí trên 200 triệu đồng, gia cố cừ bê tông và đường bê tông cốt thép rộng 2,5m.

Trước đây, đoạn cua có hố xoáy này dài 44m, kinh phí gia cố cao, mặc dù người dân đã gia cố tạm nhiều lần nhưng không đảm bảo. Ngoài ra, theo rà soát của phường còn gần 2.000m đường ở các khóm cần phải gia cố tránh sạt lở, hiện đang được triển khai dần.

Chuyện xã hội hóa ở phường ven đô

Một đoạn đường đang được xây dựng kè chống sạt lở

Bà Lê Yến Lan, Trưởng khóm Trung Hưng, cho biết: “Hiện nay, khóm có 3 công trình đang được đầu tư, hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Các con đường này đều có dấu hiệu nghiêng, rất khó đi lại, tiềm ẩn nguy cơ rớt xuống sông bất cứ lúc nào, trong khi mùa mưa đang đến.

Chưa kể, không có đèn chiếu sáng nên tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Khi địa phương đưa ra kế hoạch thực hiện kè đường, đèn đường, người dân trong khóm rất đồng tình, ủng hộ nhiệt tình, vì họ thấy công trình phục vụ thiết thực cho cuộc sống của họ.

Ngoài việc có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu, họ còn trực tiếp xắn tay vào làm giúp khi công trình đang thi công. Phần kinh phí còn thiếu, phường và khóm tiếp tục vận động rộng rãi bên ngoài, cố gắng đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình”.

“Có thể thấy, nhận thức của xã hội nói chung, của lãnh đạo các ngành, các khóm trên địa bàn phường về “xã hội hóa” đã có những chuyển biến cơ bản. Họ chung tay đóng góp công sức vào xây dựng cầu, đường, đèn... một cách tích cực, nhiệt tình. Có nơi, người dân đóng góp 100% để thực hiện công trình. Dĩ nhiên, vẫn còn một ít người dân xem đây là việc của Nhà nước nên không muốn tham gia, chưa nhìn nhận đúng vai trò của các thành phần kinh tế và xã hội trong việc tham gia vào các hoạt động xã hội hóa. Qua đó, chúng tôi rút ra được một số vấn đề.

Trước hết, xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động, đi đôi với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời nên đã tạo hành lang pháp lý để phường thực hiện có kết quả. Bên cạnh đó, được sự ủng hộ nhiệt tình cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, các khóm; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân, các công trình mới có thể xây dựng.

Phải huy động các ngành, tổ chức đoàn thể - chính trị xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội, mọi cá nhân, tập thể, cộng đồng về vị trí, vai trò quan trọng của xã hội hóa trong sự phát triển của địa phương, xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ và đóng góp sức người, sức của để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, phải tìm cách thay đổi tư tưởng, thói quen bao cấp, nhận thức chưa đầy đủ, xem xã hội hóa chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của Nhân dân trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp”- bà Lý Thùy Giang chia sẻ.

6 tháng cuối năm 2018, Mỹ Thới còn bộn bề công việc cần phải hoàn thành, như: xây dựng xong các công trình kè chống sạt lở và hệ thống chiếu sáng, Camera ở những nơi còn lại; tìm cách thoát nghèo bền vững, thực chất cho 33 hộ nghèo hiện có ở phường. Ngoài ra, phải củng cố hồ sơ, rà soát lại các tiêu chuẩn để đạt chuẩn phường “Văn minh đô thị”.

Hầu như đầu công việc nào cũng cần phải tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, đóng góp công sức, vật chất để cùng tham gia thực hiện. Dẫu vậy, chỉ cần sự quyết tâm, đồng lòng giữa chính quyền và Nhân dân, chắc chắn những công việc ấy sẽ sớm đạt được!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH