Cơ hội để phát triển đàn heo

03/09/2018 - 07:26

 - Những ngày qua, giá heo hơi trên thị trường luôn ở mức cao. Cụ thể, thương lái đổ xô tìm đến nông dân (ND) để mua heo từ 49.000 - 51.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lãi thấp nhất 15.000 đồng/kg. Thị trường heo hơi tăng mạnh, trong khi Trung Quốc đang mắc phải bệnh dịch tả heo Châu Phi, đây là cơ hội để ND tái đàn, phát triển ngành chăn nuôi heo của tỉnh.

Các trang trại và gia trại tổ chức tái đàn, đón cơ hội giá thịt tiếp tục tăng

Trung Quốc bùng phát dịch

Ngày 1-8, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (TQ) đã có báo cáo gửi Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) về tình trạng phát hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi tại tỉnh Hắc Long Giang. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng của nước này tiếp tục phát hiện thêm 3 ổ dịch. Như vậy, tính đến ngày 31-8, TQ đã phát hiện 4 ổ bệnh dịch tả heo Châu Phi; hiện đã có trên 10.000 con heo của ND TQ được các cơ quan chức năng đưa đi tiêu hủy. Chính quyền TQ đang tìm mọi cách để kiểm soát dịch bệnh này.

Bệnh dịch tả heo Châu Phi có tên tiếng Anh là African swine fever, viết tắt là ASF. TQ là nước thứ 12 trên thế giới có đàn heo bị mắc phải bệnh dịch này. Bệnh dịch tả heo Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài heo (gồm cả heo nhà và heo hoang dã). Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo. Đặc biệt, bệnh này gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao, lên đến 100%. OIE cho biết, virus gây ra bệnh dịch tả heo Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi heo khỏi bệnh (lâm sàng), heo vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang vi trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh. Tại An Giang nói riêng và cả nước nói chung, tính đến thời điểm này, dịch tả heo Châu Phi chưa xuất hiện. Đây là điều may mắn cho ngành chăn nuôi heo trong nước và là cơ hội để ND đẩy mạnh tái đàn, phát triển chăn nuôi.

“TQ là quốc gia chăn nuôi heo số 1 thế giới. Đây là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Khi quốc gia này xuất hiện dịch bệnh, lượng thịt heo cung cấp cho thị trường nội địa bị giảm sút nghiêm trọng, chính điều đó mà thời qian gần đây, TQ đã sử dụng mạng lưới thương lái của Việt Nam, tăng nhanh sản lượng mua để đưa về TQ tiêu thụ, từ đó giá heo hơi trong tỉnh luôn ở mức cao, người nuôi heo có được mức lời tốt. Đây là cơ hội để ND tăng đàn, nếu ngành thú y quản lý tốt dịch bệnh…” - bà Nguyễn Thị Hạnh (Chủ trang trại nuôi heo phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) khẳng định.

Cơ hội tăng đàn

“Qua theo dõi tình hình thời sự trong và ngoài nước cho thấy, cung - cầu thịt heo đang bị lệch pha, nghĩa là cung ít hơn cầu. TQ là thị trường tiêu thụ thịt heo số 1 thế giới, nước này đang bị dịch bệnh hoành hành, vì vậy lượng thịt cần đáp ứng cho nhu cầu hàng ngày tăng nhanh. Chúng tôi xác định đây là cơ hội để ND tăng đàn, phát triển chăn nuôi sau nhiều năm làm ăn thua lỗ” - ông Phan Văn Tuấn (xã Lê Chánh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

An Giang hiện có tổng đàn heo gần 110.000 con, tập trung nhiều ở Thoại Sơn, TP. Long Xuyên, Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới. Theo nhiều hộ chăn nuôi, hiện các trang trại, gia trại trong tỉnh đang tăng đàn trở lại vì thị trường tiêu thụ đang tốt dần lên.

“Trong chăn nuôi heo, ngoài thị trường tiêu thụ thì chi phí chăn nuôi đóng vai trò quan trọng. Chi phí đó bao gồm giá thức ăn, con giống, thuốc thú y, lãi suất ngân hàng và tiền thuê nhân công. Hiện nay, tất cả những chi phí đó đều ở mức hợp lý, vì vậy tôi cho đây là cơ hội tốt để tái đàn. Cụ thể, lãi suất ngân hàng đang ở mức từ 6,5 - 7%/năm. Nếu được xem xét vay theo 5 lĩnh vực ưu tiên (của ngành ngân hàng) thì lãi suất có thể dưới 6%/năm. Với mức lãi suất này, người chăn nuôi được ngân hàng hỗ trợ một cách tích cực. Cuộc chiến thương mại giữa TQ và Mỹ đã làm cho nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi giảm, điều này sẽ kéo theo giá thức ăn sẽ ở mức hợp lý hơn. Tất cả những điều vừa nêu chính là cơ hội để các trang trại, gia trại tái đàn“ - bà Phan Thị Lệ (xã Phú Long, Phú Tân) khẳng định.

“Đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi, hiện nay chưa có Vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo tăng cường giám sát dịch bệnh; kết hợp các ngành chức năng giám sát nghiêm ngặt việc xuất nhập heo qua biên giới. Về giải pháp, phòng bệnh vẫn là chính. Chúng tôi khuyến cáo ND trong tỉnh tiếp tục theo dõi hướng dẫn của ngành nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác với cán bộ thú y địa phương để quản lý tốt đàn heo đang nuôi” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.

“Trung Quốc sản xuất khoảng 600 triệu con heo mỗi năm và thịt heo là thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn (chiếm hơn 60% lượng Protein động vật tiêu thụ); nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn, nguồn cung nội địa sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, nguồn nhập khẩu lớn nhất là Mỹ đang bị chặn vì thuế quan, và chính sách bảo vệ môi trường của Trung Quốc, từ đó khiến nguồn cung heo giảm. Những yếu tố trên có thể giúp giá heo hơi nội địa tăng trở lại” - ông Trần Văn Lắm (xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) dự báo.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN