Cơ hội việc làm ở nước ngoài

07/10/2018 - 19:39

 - Bằng nỗ lực phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) với các đơn vị, địa phương, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (LĐ), cơ hội đi làm việc ở nước ngoài của người LĐ trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bản thân người LĐ cần có ý thức chấp hành tốt hợp đồng LĐ, giữ uy tín cho địa phương để không ảnh hưởng đến cơ hội của nhiều LĐ khác.

Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Thị Hoa Rây cho biết, nhờ triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu LĐ và phát triển thị trường LĐ, ngành LĐ-TB&XH đã góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về giải quyết việc làm 9 tháng của năm 2018. Theo đó, toàn tỉnh đã có khoảng 22.650 LĐ được tạo việc làm trong 9 tháng. Cùng với đẩy mạnh giải quyết việc làm trong nước, sở còn phối hợp đưa 170 LĐ trên địa bàn tỉnh (70 LĐ nữ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 85% kế hoạch năm. Đây là giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm cho người LĐ, giảm nghèo, đem lại cơ hội lớn trong việc tiếp thu khoa học - kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Thị trường lao động nước ngoài rất cần nguồn nhân lực có chất lượng. Ảnh: N.C

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình việc làm tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020, trong đó chú trọng thực hiện Đề án “Tăng cường đưa LĐ An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016-2020” (ban hành kèm theo Quyết định số 2387/QĐ-UBND, ngày 25-8-2016 của UBND tỉnh). Tháng 10-2017, Bộ LĐ-TB&XH đã cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và Truyền thông Quốc tế (thuộc Tập đoàn Sao Mai) được hoạt động dịch vụ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đây là thuận lợi trong công tác xuất khẩu LĐ hiện nay khi LĐ trong tỉnh sẽ có điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ cũng như tham gia các khóa học. “Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã thẩm định hồ sơ và đồng ý cho 12 DN ngoài tỉnh có chức năng đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, tuyển LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhìn chung, số LĐ đi làm việc tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… hầu hết có việc làm ổn định, thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt. Từ đó, nhiều người dân đã ý thức được việc đi LĐ ở nước ngoài là một trong những giải pháp hiệu quả để có việc làm tốt, cải thiện cuộc sống nên đã chủ động đăng ký tham gia” - bà Đặng Thị Hoa Rây nhận xét.

Chấn chỉnh ý thức chấp hành hợp đồng lao động

Ngày 6-8-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-UBND (QĐ1847) về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án “Tăng cường đưa LĐ An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016-2020”. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Thị Hoa Rây cho rằng, QĐ1847 tạo nhiều thuận lợi hơn cho người LĐ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn vay tín chấp được nâng lên 80 triệu đồng/LĐ. Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tổ chức triển khai, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ theo QĐ1847 đến tận các xã, phường, thị trấn, khóm, ấp trên địa bàn tỉnh. Việc tuyên truyền được lồng ghép trong các buổi tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề về quy trình, chính sách hỗ trợ và điều kiện tuyển LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Sở còn chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác tư vấn cho người LĐ về chính sách hỗ trợ vay vốn theo QĐ1847, giúp người LĐ an tâm, tìm hiểu và tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày càng nhiều hơn về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, các huyện Thoại Sơn, Chợ Mới, Châu Thành… là những địa phương có nhiều người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cao nhất tỉnh.

Dù hiệu quả đã được chứng minh nhưng công tác xuất khẩu LĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, số LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của An Giang còn thấp so với các tỉnh ĐBSCL. Không ít LĐ khi ra nước ngoài làm việc đã bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp, nhất là các thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Đài Loan. Việc vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật của nước sở tại đã ảnh hưởng đến uy tín địa phương, công tác xuất khẩu LĐ. Bà Đặng Thị Hoa Rây cho biết, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ quan LĐ địa phương, tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động đưa người LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Sở sẽ thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách mới, thông tin giới thiệu về các chương trình tuyển dụng mới và thông tin thị trường tiếp nhận LĐ. Song song đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động LĐ Việt Nam tại Hàn Quốc về nước đúng hạn và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động LĐ Việt Nam bất hợp pháp về nước trên các phương tiện truyền thông; tổ chức các chương trình thông tin đối thoại chính sách ở một số địa phương. “Sở tiếp tục thực hiện các biện pháp để giám sát đối với DN trong việc thực hiện tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức trước khi xuất cảnh đối với người LĐ, công tác quản lý và giải quyết phát sinh của người LĐ ở nước ngoài, việc tuân thủ quy định pháp luật hiện hành trong hoạt động thu phí và giải quyết khiếu nại về chi phí của DN đối với người LĐ” - bà Đặng Thị Hoa Rây thông tin.

Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ văn hóa và tay nghề đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cần có sự kết nối tốt hơn chương trình phối hợp giữa DN với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và địa phương

NGÔ CHUẨN