Có một ngôi làng bình yên giữa biển đảo Trường Sa

21/01/2019 - 10:26

Có một ngôi làng bình yên giữa biển đảo Trường Sa. Họ cùng các chiến sĩ nơi đây vẫn hàng ngày bám biển và giữ đảo.

Không xe cộ ồn ào, không phố xá nhộn nhịp và mặc cho nắng gió khắc nghiệt, mặc cho sóng biển gào thét, bầu trời vẫn xanh và những con người ở đây vẫn lạc quan, yêu cuộc sống. Có một ngôi làng bình yên, ấm áp và giàu sức sống như thế trên đảo Trường Sa. 

Từ cảng Cam Ranh, vượt hành trình gần 300 hải lý, chúng tôi đến với thị trấn Trường Sa, khi mùa xuân đang đến ngập tràn. Giữa cái nắng chói chang, tại một góc của hòn đảo xinh đẹp này là một ngôi làng vốn bình dị như bao ngôi làng khác trên dải đất hình chữ S.

co mot ngoi lang binh yen giua bien dao truong sa hinh 1

Chiến sĩ Trường Sa ngày đêm canh gác bảo vệ sự bình yên cho biển đảo của Tổ quốc (ảnh: Bích Lan)

Một ngôi làng yên bình với những ngôi nhà rất đỗi bình yên. Ở một ngôi làng mà điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình không quá chênh lệch, sống trong những ngôi nhà không quá khác biệt. Họ cùng các chiến sĩ nơi đây vẫn hàng ngày bám biển và giữ đảo. Ngày tất niên, mọi người cùng gói bánh chưng, cùng nhau cất lên lời ca tiếng hát, hòa cùng tiếng sóng, tiếng gió.

Anh Lâm Ngọc Huynh, người dân trên đảo Trường Sa chia sẻ: “Từ 25 đến 30 Tết, từng hộ tổ chức tất niên để các hộ cùng qua giao lưu. Hộ này làm trước 1 bữa xong đến hộ khác để mọi người sum vầy hơn. Bữa cơm tất niên, nhà nào cũng có một mâm cơm cúng tổ tiên. Mình cũng gói ít bánh chưng, bánh Tét và lamg ít mứt gừng, mứt dừa đơm lên bàn thờ cho không khí Tết vui tươi hơn”.

Hàng ngày, những người đàn ông vẫn bám biển ra khơi theo nghề chài lưới, còn những người phụ nữ ở nhà cần mẫn vá lưới và  trồng rau, nuôi lợn.  Khi bóng chiều buông xuống, họ lại thong dong đạp xe chở những đứa nhỏ dạo trên những con đường rợp bóng cây để tận hưởng làn gió biển mặn mòi. Họ bên nhau như một gia đình, thân tình,  ấm áp và bình an. Cuộc sống ở đây cứ thế  trôi đi từ ngày này qua ngày khác, không ồn ào, vội vã…

Những đứa trẻ lớn lên, vô tư hồn nhiên và mạnh mẽ. Chúng hàng ngày được đến trường vui chơi, học tập và được trang bị những kỹ năng để thích ứng với điều kiện khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió.

co mot ngoi lang binh yen giua bien dao truong sa hinh 2

Đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm, tặng quà cho học sinh trường Tiểu học thị trấn Trường Sa (ảnh: Bích Lan)

Em Nguyễn Trần An Thuyên, học sinh lớp 4, trường tiểu học thị trấn Trường Sa nói: “Con học lớp 4, cùng các em. Những bài tập khó thì con chỉ bảo các em. Con thích học môn Tiếng Việt. Lớn lên com muốn làm nghề bác sy, vì con muốn chữa bệnh cho mọi người”.

Lớp học ở đảo Trường Sa rất đặc biệt. Từ những em bé mầm non 3 tuổi cho đến cô cậu học sinh lớp 4, lớp 5 đều học chung một lớp. Và dạy học ở một lớp học như thế đối với người thầy chắc chắn chẳng bao giờ là dễ dàng. Đây là năm đầu tiên thầy giáo Bành Hữu Tình tình nguyện đến đảo Trường Sa công tác.

Với thầy giáo, việc được “gieo chữ” ở nơi đầu sóng ngọn gió vừa là niềm vinh dự, vừa là một nhiệm vụ thiêng liêng. Hiểu rõ được sứ mệnh của mình, người thầy giáo trẻ này đang dành tất cả những gì tốt nhất cho công việc “gieo mầm” ở đảo Trường Sa.

“Với tinh thần trách nhiệm và lương tâm của một nhà giáo, bản thân tôi làm việc cố gắng hết sức. Tôi xem các cháu như con, em, cháu mình để chỉ bảo, giảng dạy để các cháu càng ngày càng tiến bộ hơn. Các cháu vào học trong đất liền không thua kém gì các bạn trong đó”, thầy giáo Bành Hữu Tình nói.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên chất lượng cuộc sống của người dân thị trấn Trường Sa không ngừng được cải thiện. Máy lọc nước biển được  đầu tư khiến câu chuyện thiếu nước ngọt giờ đây không còn là nỗi lo quá lớn đối với những cư dân vùng đảo. Điện cũng đã về đến từng nhà nhờ hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời khiến vùng quê này như “bừng sáng”. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo, những năm qua, thị trấn Trường Sa được đầu tư đồng bộ nhiều thiết bị y tế  hiện đại chẳng thua gì đất liền. Không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho cư dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo, nơi đây còn trở thành “điểm tựa” của những ngư dân đi biển.

Chị Võ Thị Song ở thị trấn Trường Sa cho biết: “Ở đây, quân và dân kết nghĩa với nhau. Bộ đội giúp chúng tôi rất nhiều. Nếu có bệnh, đau, bệnh xá phục vụ tận tình. Những ngày lễ, tết thì các anh bên kết nghĩa mời mình lên chơi. Nếu các hộ dân có tổ chức thì mời bên kết nghĩa lại”.

Biển ngoài kia có thể không bình yên nhưng đã có các chiến sĩ ngày đêm tỉnh thức. Các anh vẫn đang đứng gác để Tổ quốc bình yên. Nơi ấy, hàng ngày vẫn có tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng học bài ê a, tiếng gà gáy ban trưa. Đảo Trường Sa hôm nay được phủ kín bởi màu xanh từ những tán cây bàng vuông, cây tra, cây phong ba, bão táp. Nó không chỉ giúp người dân ở đây chắn gió, chắn bão mà còn như biểu tượng về khát vọng vươn lên mãnh liệt trước những gian khó, hiểm nguy.

Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh đẹp đẽ, bình dị nhưng cũng đầy sức sống ở nơi đầu con sóng, cách đất liền hàng trăm hải lý, với chúng tôi Trường Sa thật gần, bởi đó là một phần máu thịt của Tổ quốc yêu thương./.

Theo THÀNH TRUNG (VOV)