Cồn Én ngày nay

15/10/2019 - 07:28

 - Từ trung tâm thị trấn Mỹ Luông qua cầu Tấn Mỹ, sau đó phải tiếp tục sang 1 lần đò nữa mới đến được cồn Én (ấp Tấn Long, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới). Đến cồn Én vào những ngày này mới thấy hết được sự “thay da đổi thịt” khi bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của bà con nơi đây được nâng lên rõ rệt.

Nằm giữa dòng sông Tiền, phù sa bồi đắp quanh năm, đất đai màu mỡ, do vậy người dân ở cồn Én sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Trưởng ban Nhân dân ấp Tấn Long Nguyễn Thanh Tùng cho biết, là vùng đất ngoài đê bao, trước đây bà con ở cồn Én chủ yếu canh tác rau màu các loại, vườn tạp, chăn nuôi nhỏ. Những năm gần đây, bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân đã chuyển dần những diện tích đất sản xuất không hiệu quả sang trồng cây ăn trái, chủ yếu là cây xoài; còn màu thì tập trung vào cây ớt. “Khoảng 5-6 năm trở lại đây, đời sống bà con nông dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng thêm từ 5-10 triệu đồng so với trước đây. Tỷ lệ hộ nghèo của ấp tuy còn cao là do tập trung vào đối tượng người neo đơn, bệnh tật... đa số còn lại đều vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn” - ông Tâm giải thích.

Nhờ cây xoài, đời sống của người dân cồn Én được cải thiện rõ rệt

Bên cạnh các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nhiều công ty chuyên kinh doanh về vật tư nông nghiệp cũng đến cồn Én tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ với bà con nông dân kinh nghiệm sản xuất, giống cây trồng mới, những tiến bộ của khoa học - công nghệ... Nhờ vậy, nông dân học hỏi thêm những kiến thức sản xuất mới cùng với kinh nghiệm của bản thân, từ đó quy trình canh tác ngày càng hiệu quả, thu nhập của người nông dân từ đó được cải thiện. Gần 70 năm gắn bó với vùng đất cồn Én này, ông Trần Văn Phận thật sự phấn khởi khi chứng kiến sự đổi thay từng ngày ở nơi đây. Vừa trò chuyện cùng chúng tôi, ông Phận chỉ tay ra phía trước nhà và cho biết: “Trước đây, mỗi khi tới mùa nước nổi thì xứ này đâu đâu cũng là nước, người dân phải bắt cầu khỉ để di chuyển. Còn bây giờ, đường bê-tông nông thôn thông suốt, xe 4 bánh chạy tới nơi, mừng nhất là con cháu mình đi học đã không còn chịu cảnh lội nước bì bõm như trước”.

Nhìn những vườn xoài, đồng ớt trĩu quả, không khí mua bán, đóng hàng để vận chuyển lúc nào cũng diễn ra tấp nập, thương lái thì đến tận vườn thu mua rồi chở đi, giá cả cạnh tranh hơn trước rất nhiều. Chỉ bấy nhiêu đó thôi đã cho thấy sự thay đổi lớn đối với bà con nơi đây. Cũng như nhiều người nông dân ở xứ cồn, gắn bó với rau màu khoảng 5 năm nay, ông Phận đã chuyển hẳn diện tích 7.000m2 đất của mình sang chuyên canh xoài 3 màu, xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc. Đó là chưa kể ông thuê thêm 10 công xoài lá canh tác để tăng thêm thu nhập. Lúc mới lên liếp trồng xoài, ông Phận tranh thủ xen canh với cây ớt nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, khi ớt có giá, gia đình ông Phận có được nguồn thu đáng kể. “Mỗi công xoài mình thu hoạch trung bình từ 3-4 tấn, có khi hơn, nếu xoài vụ nào có giá, trừ hết chi phí cũng kiếm vài trăm triệu đồng” - ông Phận phấn khởi.

Để đảm bảo an toàn mùa lũ, điểm giữ trẻ mùa lũ được triển khai từ đầu tháng 10, với số lượng 70 em

Nói đến Cồn Én là phải nhắc đến rau nhút, vì đây là loại cây trồng giúp bà con xứ cồn có thu nhập ổn định mỗi khi mùa nước nổi về. Từ việc tận dụng lợi thế địa hình mùa nước để canh tác, rau nhút đã được các hộ dân trồng quanh năm, giá cả tuy có biến động nhưng vẫn đem lại lợi nhuận khá. “Hiện nay, cồn Én có khoảng 4ha rau nhút được trồng quanh năm, cho thu hoạch mỗi ngày. Cứ khoảng 2 giờ sáng, bà con cắt rau nhút, đến khoảng 4-5 giờ là được các đầu mối tập kết ở bến đò chuyển đi các chợ trong và ngoài huyện, khung cảnh nhộn nhịp lắm”- ông Tâm thông tin. Năm nay, nước lũ từ thượng nguồn đổ về trễ nên các công việc chuẩn bị cho vụ màu mới trễ hơn, thay vì phải thực hiện sớm như những năm trước. Đến thời điểm này, bà Võ Thị Dùng mới thuê người vô tro, bắt bầu ươm ớt, chuẩn bị xuống giống trên diện tích 5 công đất. “Năm nào nước về sớm thì chuẩn bị sớm, còn trễ thì mình làm trễ chút, không bị ảnh hưởng nhiều. Bà con ở xứ cồn Én sống nhờ vào cây ớt, cây xoài mà vươn lên khấm khá, có cuộc sống ngày càng ổn định. Giá cả thị trường tuy có biến động, song cũng nhờ các cây trồng này mà người dân thêm phần lợi nhuận, cuộc sống dễ thở hơn trước rất nhiều” - bà Dùng chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN