Cồn Sơn - “Quen” mà “lạ”

22/11/2019 - 07:44

Du lịch miệt vườn là thế mạnh của nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, do trùng lắp về hình thức và chạy theo phong trào, nên nhiều nhà vườn lâm vào cảnh “đìu hiu”, không khai thác được lợi thế. Để tồn tại và phát triển thì sản phẩm du lịch của mỗi địa phương phải có bản sắc và nét đặc thù riêng. Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) đã làm được điều này khi có những sản phẩm du lịch miệt vườn “quen” mà “lạ”!

Rời xa phố thị

Hơn 5 phút hứng gió sông Hậu, con đò nhỏ đưa chúng tôi đến cồn Sơn trong một ngày nắng đẹp. Bỏ qua những hối hả, tất bật của chốn thành thị, cồn Sơn thanh bình, yên tĩnh đến lạ thường. Ồn ào nhất ở đây chính là bước chân của du khách, tiếng chó sủa hoặc tiếng gà rượt nhau kêu “oang oác” nơi chốn làng quê. Con đường quanh cồn nhỏ hẹp nên việc di chuyển từ đầu đến cuối cồn chủ yếu là… đi bộ, hầu như không thấy bóng dáng xe gắn máy. Nơi đây rợp màu xanh của cây cỏ và sông nước. Các nhà vườn treo các bảng gỗ dọc con đường như là một tín hiệu chỉ dẫn cho du khách đến vườn bưởi, vườn nhãn, vườn chôm chôm…

Trên đường quê, thỉnh thoảng xuất hiện những xề trái cây của nhà vườn, du khách sà vào mua hoặc chỉ để ngắm nhìn, tìm hiểu thông tin cũng chẳng sao, vì người nhà quê luôn nhiệt tình giới thiệu. Thích mắt nhất là nải chuối tá quạ, mỗi trái chuối dài 2 gang tay, nặng từ 200-300gr. Đây là loại chuối ít thấy ở thành thị, chủ yếu trồng ở khu vực cồn, mỗi cây chuối chỉ có 1-2 nải. Đúng là người quê  “có tấm lòng” nên đi đến đâu chúng tôi cũng được chỉ dẫn đường đi, mời uống nước sa kê hoặc hoa đậu biếc miễn phí, có nhà còn cho dùng thử nước mắm đồng, được ủ từ cá cơm nguyên chất…

Du khách đổ bánh kẹp

Không chỉ thưởng ngoạn không khí thanh bình, mà trải nghiệm đi cầu khỉ (qua nhà chị Bảy Muôn) tham quan các lu ủ mắm đồng, nuôi ong, tập làm bánh kẹp và thưởng thức bánh dân gian… thu hút khá đông du khách. Cứ mỗi tô bột 75.000 đồng và có sẵn lò than tại chỗ, lần lượt từng người tập tành đổ bánh kẹp tại chỗ. Cái bánh kẹp nào được hoàn thành là thưởng thức ngay tại chỗ, trong cái nóng hầm hập và khói từ lò than bốc lên làm chảy cả nước mắt. Nếu muốn ăn nhiều loại bánh khác nhau, chỉ cần đặt mẹt bánh da lợn, bánh chuối, khoai mì và xôi vị… giá khoảng 150.000 - 200.000 đồng cho hơn 10 người ăn.

Bà con nơi đây làm du lịch cộng đồng, nghĩa là cùng hợp sức làm du lịch, không nhà nào cạnh tranh với nhà nào. Cứ “ới” một tiếng là mạnh ai nấy làm và đem đến phục vụ đầy đủ cho du khách, như: nhà cô Út Chuyên về mắm kho; cô Chín Nhỏ phụ trách món ốc và gà; còn cá đã có cô Tâm kho theo đúng kiểu miệt vườn… Tất cả đều là đặc sản sông nước tại chỗ và từ cây nhà lá vườn nên chế biến nhanh gọn và thơm ngon. Chị Tú Anh (du khách đến từ TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Vui và lạ là cảm giác của người thành thị khi được sống dân dã, tách khỏi với tiện nghi và công nghệ… để đầu óc nhẹ nhàng, giảm bớt những áp lực từ cuộc sống”.

Bè cá Koi

Sản phẩm du lịch độc đáo

Từ chỗ không mấy ai biết đến, cồn Sơn hiện nay đã thu hút rất đông du khách đến tham quan. Ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày lễ, có nhà vườn đón 300-500 du khách. Đội ngũ hướng dẫn viên là người dân địa phương, tăng lên 25 người để đón khách đến cồn, dẫn đoàn chúng tôi tham quan là Kim Khánh (năm nay 18 tuổi) - một trong hai người đầu tiên của cồn Sơn làm nghề hướng dẫn viên đưa khách du ngoạn tại đây.

Trái cây miệt vườn

Cồn Sơn vốn nổi tiếng với cá lóc bay trên mặt nước của anh Lê Trung Tín, thời gian gần đây thu hút không kém là nhà vườn Song Khánh. Sở dĩ có cái tên Song Khánh vì gia đình có 2 chị em song sinh tên Khánh (sinh ngày Quốc Khánh 2-9) cùng theo nghề du lịch. Trước đây, nhà vườn Song Khánh chủ yếu trồng cây ăn trái, sau này gia đình kết hợp làm du lịch. Khách đến tham quan đúng vào mùa chôm chôm, vé tham quan và hái trái ăn thỏa thích với giá 20.000 đồng. Nếu  khách đến với nhà vườn Song Khánh vào thời điểm nghịch mùa trái cây thì tham quan sen vua, thưởng thức ẩm thực cồn và trải nghiệm đúc cơm trắng cho cá tai tượng. Anh Nguyễn Văn Chiến cho biết, ao có khoảng 70 con cá tai tượng. Từ thời ông cố của Chiến đã từng cho cá tai tượng ăn cơm trắng hoặc đọt khoai lang, đọt khoai mì nên đàn cá cứ thế mà "ăn chay" cho đến nay. Chỉ cần gõ muỗng vào thành tô kêu leng keng là cá tai tượng từ từ nổi lên, há miệng chờ đút cơm ăn, hết con này tới con khác… Du khách trầm trồ vì mấy ai từng chứng kiến cảnh lạ mắt như thế này!

Một điểm đến không thể thiếu khi đến cồn Sơn là bè cá của ông Bảy Bon có diện tích mặt nước 6.000m2, bố trí 30 bè cá các loại. Với giá vé 20.000 đồng, khách tham quan có dịp tìm hiểu về làng bè, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, xem cá koi và các loài cá quý hiếm, như: trà sóc, sóc sọc, hồng vĩ… Đặc biệt, cá trê hồng, đuôi phụng và biểu diễn cá bắn nước (top 10 loại cá độc đáo nhất thế giới) là nét khác biệt ở bè cá Bảy Bon so với các bè nuôi cá khác. Ông Bảy Bon tâm sự: “Ban đầu, tôi nuôi cá để phát triển kinh tế gia đình. Sau này, gia đình tôi kết hợp bảo tồn các loài cá quý hiếm trong tự nhiên và làm du lịch nên bè cá đông vui, tạo sự mới mẻ để phục vụ khách tham quan”.

Chính sự  mới mẻ và không đi vào lối mòn của các sản phẩm du lịch miệt vườn là điểm thu hút khách đến với cồn Sơn - cù lao có diện tích hơn 70ha này.

 Bài ảnh: NGỌC AN