Cộng đồng quốc tế kêu gọi tránh bạo lực và giải pháp hợp hiến tại Bolivia

11/11/2019 - 19:39

Sau những diễn biến đáng lo ngại tại Bolivia, ngày 11-11, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các bên tại quốc gia Nam Mỹ này kiềm chế bạo lực, giải quyết hòa bình và tìm giải pháp hợp hiến cho cuộc khủng hoảng trong nước.

Đại diện cấp cao về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini. Ảnh:AFP/TTXVN

Quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini kêu gọi các bên tại Bolivia giữ thái độ "kiềm chế và trách nhiệm", tiến tới tổ chức một cuộc bầu cử mới sau khi Tổng thống Evo Morales từ chức và lực lượng an ninh đã từ chối ủng hộ ông này. 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra bình luận về các sự kiện tại Bolivia, trong đó nhấn mạnh, Moskva rất quan ngại khi tình hình tại đây xảy ra theo chiều hướng "một cuộc đảo chính nhà nước được đạo diễn" bất chấp việc chính quyền đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp mang tính xây dựng trên cơ sở đối thoại. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi các lực lượng chính trị tại Bolivia thể hiện trách nhiệm và tìm kiếm một lối thoát hợp hiến, vì hòa bình, an ninh, khôi phục lại quyền kiểm soát của các thể chế nhà nước, đảm bảo quyền của mọi công dân và phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước. Bộ trên cũng bày tỏ hy vọng, tất cả cộng đồng yêu chuộng hòa bình trên thế giới, các nước Mỹ Latinh láng giềng của Bolivia, các nước có ảnh hưởng ngoài khu vực và các tổ chức quốc tế cùng thể hiện quan điểm có trách nhiệm như vậy.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Chile cũng ra tuyên bố khẳng định ủng hộ một giải pháp hòa bình và dân chủ trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật đối với cuộc khủng hoảng tại Bolivia, đồng thời bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng đang "bao trùm lên xã hội nước này".

"Chính phủ Syria bày tỏ tình đoàn kết với Tổng thống hợp pháp Evo Morales và đứng về phía nhân dân Bolivia" là tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria do hãng thông tấn SANA công bố. Damascus đánh giá rằng ông Morales có quan điểm ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người Arab và chống lại chính sách bá quyền và can thiệp của Mỹ vào khu vực Mỹ Latinh. 

Trước đó, Tổng thống Bolivia Morales đã tuyên bố từ chức sau gần 14 năm cầm quyền. Phát biểu họp báo ngày 10/11, nhà lãnh đạo Bolivia tố cáo ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính và ông buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước. Ông Morales tuyên bố chính phủ của mình đã để lại một đất nước với nhiều tiến bộ xã hội, tăng trưởng kinh tế ổn định, một đất nước Bolivia tự do và có tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định không chạy trốn, mà sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cùng với nhân dân Bolivia để giữ lại những thành quả mà chính phủ của ông đã tạo dựng được trong hơn 1 thập niên qua.

Sau cuộc bầu cử hồi tháng 10 vừa qua, phe đối lập đã phát động làn sóng biểu tình tại Bolivia nhằm gia tăng sức ép buộc Tổng thống Morales từ chức. Ngày 10-11, ông Morales tuyên bố sẽ kêu gọi tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống ở nước này, song làn sóng biểu tình bạo loạn vẫn diễn biến nghiêm trọng, lực lượng vũ trang và cảnh sát Bolivia đã yêu cầu tổng thống từ chức để giữ hòa bình cho đất nước.

Theo TÂM HẰNG (Báo Tin Tức)