Công nghệ cảnh báo sạt lở, tại sao không?

08/05/2018 - 06:51

 - Đó là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh sạt lở (SL) diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Khi ứng dụng công nghệ mới, gắn các thiết bị cảm biến tại các vị trí cảnh báo SL, cơ quan quản lý chỉ cần “ngồi ở nhà” vẫn có thể theo dõi diễn biến dòng chảy, mức độ xoáy vào bờ, nguy cơ SL để xử lý kịp thời.

Nỗi lo nối tiếp nỗi lo

Năm 2017, An Giang hứng chịu ảnh hưởng SL nghiêm trọng nhất so thời gian dài trước đó. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang Trần Đặng Đức, năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 54 điểm SL đất bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài SL 4.171m, gây thiệt hại khoảng 99,51 tỷ đồng. Đến nay, những vụ SL nghiêm trọng tại tổ 12 (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới), ấp Tắc Trúc (xã Nhơn Hội, An Phú)… vẫn chưa khắc phục xong hậu quả.

Những tháng đầu năm 2018, nhiều vụ SL tiếp tục xảy ra. Ngoài những địa bàn “quen thuộc” như: An Phú, Chợ Mới, TX. Tân Châu, Châu Phú, SL nghiêm trọng còn xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên), cắt vào hơn một nửa tuyến giao thông huyết mạch vào xã nông thôn mới này. Các cơ quan chức năng phải di dời khẩn cấp hàng chục căn nhà.

Theo ông Đức, kết quả quan trắc đợt II-2017 để cảnh báo mùa khô năm 2018 cho thấy, có tổng số 51 đoạn sông, với tổng chiều dài 162.550m có nguy cơ SL. So với kết quả cảnh báo SL năm 2017, vẫn giữ nguyên 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và 3 đoạn ở mức độ nhẹ.

Đối với 6 đoạn cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ xảy ra SL rất cao, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn, gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong, TX. Tân Châu (dài 6.900m, trong đó SL mạnh thuộc 2 ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2, dài 4.400m); đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ, Châu Phú (dài 1.900m, kéo dài từ vàm xáng Cây Dương đến bến phà Năng Gù, trọng yếu tại khu vực Trường Tiểu học “A” Bình Mỹ - điểm 2); đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên (khu vực ấp Mỹ Thuận và ấp Mỹ Khánh, dài 3.300m); đoạn sông Hậu chảy qua phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình (TP. Long Xuyên, từ bến đò Cần Xây đến đuôi kè Mỹ Bình, dài 4.300m); đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới (dài 3.000m, gồm đoạn thượng nguồn (khu vực chợ xã, ngã 3 sông Hậu và sông Vàm Nao, dài 200m) và đoạn hạ nguồn (khu vực tập trung lò gạch) dài 2.800m; đoạn sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới (từ xã Kiến An đến xã Mỹ Hội Đông, dài 3.000m).

Phối hợp đồng bộ các giải pháp

Ông Đức cho biết, để hạn chế ảnh hưởng SL bờ sông, tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư, trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ SL cao.

Trong quy hoạch cần dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Ngoài đầu tư của Nhà nước, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cụm, tuyến dân cư phòng, tránh SL lâu dài, ưu đãi các khoản thuế, tiền sử dụng đất, cho hưởng địa tô từ các công trình đầu tư công để sớm di dời dân cư vào vùng an toàn tránh SL trong điều kiện khó khăn về ngân sách.

Đối với UBND cấp huyện và các sở, ngành liên quan, cần rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước, đề xuất giải pháp quản lý về giao thông, xây dựng trên khu vực bờ sông, kênh, rạch và khu vực cảnh báo SL. “Do SL có nguy cơ trên diện rộng, trên nhiều địa bàn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân nên kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tiến hành khoanh vùng các khu vực SL, cắm mốc giới hạn hành lang SL nguy hiểm và trên cơ sở đó, tiến hành thống kê và lập kế hoạch di dời ra khỏi khu vực SL. Quy trách nhiệm cho UBND cấp huyện trong việc để phát sinh nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép” - ông Đức lưu ý.

Từ năm 2007, Sở TN&MT đã duy trì công tác quan trắc và cảnh báo SL định kỳ 2 lần/năm (tháng 4 và tháng 11). Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đo vẽ địa hình đáy sông, xây dựng hệ thống bản đồ địa hình, nghiên cứu sâu về chế độ dòng chảy, quy luật thủy văn, các nguyên nhân gây SL để đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.

Bên cạnh phương pháp khảo sát truyền thống, yêu cầu bức thiết hiện nay là cần ứng dụng các công nghệ mới để cảnh báo và ứng phó SL hiệu quả hơn. Sở TN&MT đang nghiên cứu các công cụ, thiết bị quan trắc, đánh giá, phần mềm quản lý, mô hình tính toán dự báo SL có thể áp dụng cho An Giang. Đồng thời, đào tạo nhân lực có chuyên môn sâu, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến SL phục vụ công tác quản lý tốt hơn.

“UBND tỉnh An Giang giao Sở TN&MT xây dựng đề tài ứng dụng công nghệ quản lý SL. Khi tận dụng được công nghệ và kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài, đặt các cảm biến ở các vị trí cảnh báo SL và kết nối dữ liệu đồng bộ, chúng ta chỉ cần “ngồi ở nhà” cũng nắm rõ tình hình SL, chứ không cần đi đo, quan trắc 2-3 lần/năm” - Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh nhấn mạnh.


NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích