Công nghệ cao thúc đẩy ngành tôm phát triển

03/05/2018 - 14:45

Đó là đánh giá chung của nhiều chuyên gia tại hội thảo "Khoa học công nghệ phục vụ nuôi tôm công nghệ cao" do Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức.

A A

Nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính ở Bạc Liêu

Nước ta có 28 tỉnh ven biển có diện tích nuôi tôm nước lợ. Giai đoạn 2011 - 2017, diện tích nuôi tôm nước lợ tăng từ 656.500ha lên 721.000ha, sản lượng từ 482.200 tấn lên 683.400 tấn. Riêng năm 2017 đạt đỉnh cao về sản lượng và giá bán cao, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,8 tỷ USD.

Theo nhận định của các nhà khoa học, thị trường cho sản phẩm tôm hiện chưa có ngưỡng và nhu cầu vẫn tăng mạnh. Bên cạnh đó, hiệp định thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm tôm nước ta thâm nhập vào thị trường thế giới. Nước ta có đội ngũ doanh nhân, nhà khoa học, người nuôi tôm có kinh nghiệm.

Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức trong SX, cung ứng giống. Việc truy xuất nguồn gốc con giống gặp nhiều khó khăn, phát triển thị trường XK chậm…

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, nguồn tôm bố mẹ còn phụ thuộc vào nhập khẩu (tôm thẻ chân trắng) và khai thác tự nhiên (tôm sú). Vì vậy chất lượng tôm giống không ổn định, kỹ thuật ương giống chưa được phổ biến, giá thành SX cao...

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định, để đạt mục tiêu theo đề án của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 ngành thủy sản XK 10 tỷ USD thì chúng ta cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến các vấn đề về tổ chức SX, ứng dụng tiến bộ KHCN, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển bền vững.

Chia sẻ tại hội thảo, “vua tôm” ông Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu cho biết, ông đang áp dụng mô hình nuôi tôm bán thâm canh với mật độ thưa. Ưu điểm là con giống ít hao hụt, tiết kiệm chi phí, không ô nhiễm môi trường. Hình thức nuôi này rất phù hợp với điều kiện SX của người nông dân. Ông sẽ cải thiện quy trình hướng đến nuôi an toàn.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là hướng đi đúng của địa phương. Tuy vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả rất cao, kiểm soát được dịch bệnh, môi trường, SX mang tính bền vững.

"Về lâu dài tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn cho người nuôi áp dụng mô hình này. Tỉnh đề nghị Chính phủ cho thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu", ông Trung chia sẻ.

Tại hội thảo, các nhà khoa học giới thiệu ứng dụng công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh biosipec; nuôi tôm trong nhà kính theo công nghệ vi sinh đa dưỡng; phương pháp phối kết hợp để phát triển giống tôm SPF…

Theo HOÀNG VŨ - TRỌNG LINH (Nông Nghiệp)