CPI bình quân quý III-2018 và 9 tháng biến động theo hướng tăng dần

28/09/2018 - 20:14

Tổng cục Thống kê chỉ ra, bình quân 9 tháng năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động theo hướng tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 3,97% trong tháng 9, đặc biệt tăng nhanh ở tháng 6 và tháng 7.

Nhu cầu cao về vận tải, tăng giá xăng dầu... cũng góp phần vào tăng CPI (Ảnh minh họa: HNV)

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức sáng 28-9 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã nêu rõ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2018 tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017; tăng 3,2% so với tháng 12-2017; CPI bình quân 9 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 tăng 3,57%; CPI quý III năm 2018 tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng cục Thống kê chỉ ra, bình quân 9 tháng năm 2018, CPI biến động theo hướng tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 3,97% trong tháng 9, đặc biệt tăng nhanh ở tháng 6 và tháng 7 lần lượt là 4,67% và 4,46% so cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,35% so với tháng trước. Từ tháng 8-2018 đến tháng 9-2018, tốc độ CPI bình quân đã tăng chậm lại từ 3,53% (bình quân 8 tháng) lên mức 3,57% (bình quân 9 tháng) chỉ tăng 0,04% do mặt bằng giá tháng 8 và tháng 9-2017 ở mức cao.

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng năm 2018 cho thấy sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và sự chủ động của các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát giá cả nên việc kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao có thể đạt được. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình quốc tế còn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường như: cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông, khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ,... nên có thể ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước các tháng cuối năm. Thực tế này đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả, kịp thời đề xuất các giải pháp cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một số nguyên nhân tác động làm tăng CPI trong 9 tháng, đó là giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế quy định mức khung tối đa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 18,26% làm cho CPI 9 tháng năm 2018 tăng khoảng 0,71% so với cùng kỳ năm trước.

Thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ, 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục 9 tháng đầu năm 2018 tăng 7% so với cùng kỳ, tác động làm cho CPI 9 tháng năm 2018 tăng khoảng 0,36% so với cùng kỳ.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1-1-2018 mức lương cơ sở tăng 90.000 đồng/tháng kể từ ngày 1-7-2018 theo Nghị quyết số 49/2017/QH17 của Quốc hội ngày 13-11-2017 nên giá một số loại dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ sửa chữa, lắp đặt điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 2% - 8% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng lương thực tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI tăng 0,18% (giá gạo tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và tăng theo giá gạo xuất khẩu). Giá gạo xuất khẩu tăng do nhu cầu gạo tăng từ thị trường Trung Quốc và thị trường các nước Đông Nam Á. Giá thịt lợn tăng 13,51% so với tháng 12-2017 và tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 0,23% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 0,12% do nhu cầu xây dựng tăng cùng với việc giá thép Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua.

Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng khá mạnh, bình quân giá dầu Brent từ thời điểm 1-1-2018 đến thời điểm 15-9-2018 ở mức 72,49 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 52,5 USD/thùng của bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 38,08%. Trong nước, giá xăng A5 được điều chỉnh 8 đợt tăng, 3 đợt giảm, tổng cộng tăng 2.440 đồng/lít; giá dầu diezel được điều chỉnh tăng 10 đợt và giảm 4 đợt, tổng tăng 2.960 đồng/lít, làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 15,57% so với cùng kỳ góp phần tăng CPI chung 0,69%.

Nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán và các kỳ nghỉ lễ 30-4 , 1-5 và 2-9 nên chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước…

Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá, trong 9 tháng đầu năm 2018 cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế chỉ số CPI, đó là: giá dịch vụ y tế điều chỉnh giảm theo Thông tư số 15/2018/TT/BYT ngày 30-5-2018 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, chỉ số giá dịch vụ y tế tháng 7-2018 giảm 7,58% góp phần giảm CPI chung 0,29%.

Theo HÀ ANH (Đảng Cộng san Việt Nam)