Cụ bà 80 tuổi chờ sổ hộ khẩu

18/04/2019 - 07:45

 - Ở tuổi 80, trú ngụ đã 58 năm nhưng bà Giang Thị Nở (sinh năm 1939, ngụ tổ 9, khóm An Thới, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên)không có chứng minh nhân dân, không giấy khai sinh, không hộ khẩu... Cụ bà trông chờ sổ hộ khẩu để mua bảo hiểm y tế, thụ hưởng một số chế độ, chính sách của nhà nước.

Bà Giang Thị Nở

Phản ánh sự việc đến Báo An Giang, bà Giang Thị Nở cho biết: “Năm 22 tuổi, tôi phải lòng ông nhà Nguyễn Văn Rảnh, bỏ làng quê theo chồng về Long Xuyên sinh sống. Bốn người con của tôi lần lượt ra đời, chồng nói “đi làm ăn xa”, bỏ mọi chuyện trong ngoài cho tôi đảm đương. Đến khi đổ bể ra, ông có 1 bà vợ nhỏ. Sau đó, ông đi biền biệt và đến cuối đời gửi thân ở nơi này trong nghèo khó. Tôi phải đầu tắt mặt tối lo liệu cho các con, nên chuyện về thăm cha mẹ, làng quê vô cùng khó khăn và sau đó quên luôn. Do ít về quê, nay tôi chỉ nhớ nhà cha mẹ thuộc huyện Mỏ Cày (Bến Tre), còn nơi ở ngày xưa đã thay đổi, không biết nay là xã Thành Thới, An Thới, Tân Hội hay gì đó...”.

Bà Nở kể tiếp: “Từ khi có chồng đến nay, tôi về quê chỉ một vài lần lúc cha mẹ qua đời; còn chuyện thân tộc, bà con ở quê gần như không còn biết. Nay ở tuổi gần đất xa trời, ở đây đã 58 năm nhưng tôi không có chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, đặc biệt sổ hộ khẩu và nhiều thứ khác, nên gặp nhiều trắc trở, thiệt thòi. Lúc đầu, ở chung nhà với cha mẹ chồng, sau tách ra không cho nhập khẩu vào đâu, dần dà quên mất và “ở lậu” đến bây giờ. Hiện, căn nhà tạm hơn 20m2 này là của con gái (đang bị bệnh ngặt nghèo, chồng chết) đứng tên hộ khẩu cho tôi và em nó ở đậu. Nhiều năm bị bệnh, tôi nhờ người có hộ khẩu cho mượn tên mua bảo hiểm y tế nên sức khỏe lay lắt được. Chị này qua đời đã mấy năm, nên bệnh già của tôi chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi (lúc có, lúc không) của con trai làm mướn. Do nhiều bữa không có thuốc, đôi lần tôi suýt đi “gặp ông bà”.

Về việc này, ông Trần Văn Hữu (Chi hội Chữ Thập đỏ khóm An Thới) cho biết: “Bà Nở về sống ở đây rất lâu, ai cũng biết. Trước đây, bà đi làm giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, địa phương yêu cầu trình sổ hộ khẩu do bà không có nên chưa thực hiện được. Cán bộ đã hướng dẫn làm thủ tục, đã viết tường trình, yêu cầu đi về những nơi trước đây bà sinh ra và sinh sống để chứng thực nguồn gốc. Sau đó, mới làm các giấy tờ nói trên được. Chuyện này đối với gia cảnh cụ bà Nở là không dễ. Bởi, bà đi đứng khó khăn, không nhớ nơi ở trước đây, nhà không tiền, các con bệnh nặng, lại không việc làm nên gặp nhiều khó khăn”.

Trưởng ban Nhân dân khóm An Thới Võ Thị Kim Trang cho biết: “Bà Nở sinh sống ở đây rất lâu nhưng sổ hộ khẩu của gia đình do chị Nguyễn Thị Nguyệt (con gái bà) đứng tên. Hộ khẩu này không có tên bà và trước đó cũng không thấy. Về việc này, chúng tôi đã hướng dẫn bà và người thân của bà thực hiện các thủ tục cần thiết nhưng đến nay gia đình vẫn chưa làm. Về các chính sách an sinh xã hội, khóm đã giúp đỡ và hỗ trợ nhiều lần, còn về việc xác thực nguồn gốc nơi ở, sinh sống trước đây chỉ có bà và người trong cuộc mới thực hiện được. Trước đây, vài hộ dân cũng gặp một số trúc trắc do chưa có hộ khẩu của gia đình đến khóm nhờ xem xét giải quyết. Do vượt thẩm quyền nên chúng tôi từ chối, hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục cần thiết và các hộ này đều có sổ hộ khẩu xác định nơi thường trú theo quy định. Khóm An Thới có 487 hộ, 2.100 người nhưng số người không có sổ hộ khẩu, hoặc không có tên trong hộ khẩu của gia đình là rất ít. Trường hợp của bà Nở là cá biệt”.

Thượng úy Châu Văn Bình, Cảnh sát khu vực khóm An Thới cho biết: “Nhiều lần kiểm tra thấy hộ khẩu của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt đứng tên nhưng không có tên bà Giang Thị Nở, dù bà sinh sống ở nhà này từ rất lâu. Để bổ sung tên bà vào hộ khẩu, yêu cầu đương sự đến Công an phường Mỹ Thới để chúng tôi hướng dẫn, thực hiện các thủ tục cần thiết. Cụ thể, bà về nơi trước đây sinh ra, sinh sống để xác thực. Khi xong việc, cơ quan chức năng sẽ bổ sung tên vào hộ khẩu của gia đình theo quy định”.

Bài, ảnh: N.R