Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở 2019: Cơ sở dữ liệu quan trọng để hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển

01/05/2019 - 08:06

 - Sau gần 1 tháng thực hiện cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở theo Quyết định số 772/QÐ-TTg ngày 26-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở An Giang bước đầu đã ghi nhận những kết quả sơ bộ.

Ông Huỳnh Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh (gọi tắt BCĐ tỉnh) cho biết: “Do đặc thù của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở là nạp dữ liệu trên các thiết bị thông minh và gửi dữ liệu trực tiếp về Trung tâm Thống kê tin học khu vực 1 tại Hà Nội nên BCĐ tỉnh chỉ có thể thống kê sơ bộ số hộ được điều tra, còn về nội dung chi tiết về đặc thù tình trạng dân cư và các chỉ tiêu khác phải đợi Tổng cục Thống kê tổng hợp và công bố kết quả điều tra trong thời gian tới”.

Theo thống kê sơ bộ của BCĐ tỉnh, tính đến ngày 24-4, An Giang đã thực hiện phỏng vấn 526.237 hộ trên tổng số hộ thống kê dự đoán là 528.021 (đạt tỉ lệ 99,66%). Nếu chỉ tính riêng khu vực thành thị, tỉ lệ hoàn thành điều tra đạt 99,75% (có 167.853 số hộ được điều tra trên tổng số hộ dự đoán 168.266 hộ). Ở khu vực nông thôn, tỉ lệ hoàn thành điều tra đạt 99,62% (có 358.384 số hộ được điều tra trên tổng số hộ dự đoán 359.755 hộ). Xét về địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương đều hoàn thành tổng điều tra đúng tiến độ, đạt tỉ lệ 98% trở lên.

Công tác tổng điều tra dân số và nhà ở được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo số liệu cập nhật được chính xác chính là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, sự kiểm tra, giám sát của BCĐ tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp. Điển hình, ngày 4-4-2019, ông Thiều Vĩnh An, Cục trưởng Cục Thống kê, Phó trưởng BCĐ tỉnh đã đến giám sát hoạt động tổng điều tra tại 4 xã thuộc huyện Châu Phú (thị trấn Cái Dầu, xã Bình Long, xã Đào Hữu Cảnh, xã Thạnh Mỹ Tây). Qua giám sát, tất cả điều tra viên đều thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa công tác tổng điều tra cho các hộ dân, từ đó người dân đã nhiệt tình cung cấp thông tin đúng và đủ cho điều tra viên, về thời gian phỏng vấn được đảm bảo, lưu trữ đầy đủ thông tin trung thực, khách quan.

Cùng với đó là sự nỗ lực của BCĐ tổng điều tra dân số và nhà ở cấp huyện, xã thông qua việc phối hợp với ngành liên quan trong quá trình điều tra. Ghi nhận tại huyện An Phú, các điều tra viên đã kịp thời tiến hành điều tra nhân khẩu đặc thù thuộc địa bàn phụ trách (các cơ sở tôn giáo). Cùng đi đến các cơ sở là một số người dẫn đường kiêm phiên dịch tiếng Chăm và các thành viên BCĐ cấp xã. Tại đây, người dân và chức sắc tôn giáo đã nhiệt tình cung cấp thông tin đầy đủ cho các điều tra viên. Bên cạnh đó, BCĐ tổng điều tra dân số và nhà ở huyện An Phú đã tổ chức họp với Tổ trưởng và điều tra viên điều tra địa bàn mẫu cho 14 xã, thị trấn. Nội dung họp bao gồm: phổ biến Thông báo nghiệp vụ CAPI, đánh giá tiến độ điều tra và phổ biến quy trình kiểm tra, sửa lỗi logic trên phiếu toàn bộ và phiếu mẫu, bao gồm việc mô tả chính xác về nghề và ngành của thành viên hộ mẫu (câu 26 và câu 27).

Tại địa bàn TP. Long Xuyên, chị Lương Thị Kim Thúy, Phó Trưởng khóm Tây Khánh 2 (phường Mỹ Hòa) cho biết: “Công tác tổng điều tra dân số và nhà ở lần này không khó,  mà còn nhẹ nhàng hơn đối với điều tra viên vì không phải mang theo nhiều sổ sách ghi chép, chỉ cần 1 chiếc điện thoại. Điều quan trọng nhất vẫn là giải thích cho người dân hiểu được ý nghĩa của cuộc tổng điều tra 10 năm mới được thực hiện 1 lần. Đối với hộ được điều tra mẫu cần sử dụng phiếu dài với nhiều câu hỏi mang tính nhạy cảm, một số hộ đã tỏ vẻ hơi khó chịu, anh chị em điều tra viên đã kịp thời giải thích, khi người dân hiểu đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Như vậy, cùng với sự đóng góp kết quả điều tra của An Giang, Tổng cục Thống kê sẽ có được số liệu về quy mô dân số chi tiết của toàn quốc 10 năm sau tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Các kết quả sẽ được bổ sung vào kho dữ liệu dân số và nhà ở của nhà nước, Chính phủ và từng địa phương nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương, phục vụ yêu cầu so sánh quốc tế. Đồng thời, làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Đó còn là căn cứ để đánh giá bước đầu việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của chương trình nghị sự sau năm 2015 của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về dân số theo quy định của Luật Thống kê; là nguồn thông tin quan trọng hỗ trợ cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành có liên quan, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử 4 cấp.

NGỌC GIANG