Đa dạng sản phẩm từ nấm linh chi

02/07/2019 - 07:40

 - Từ cây nấm linh chi, cô Lê Cẩm Hồng (ngụ khóm Long Thạnh C, phường Long Hưng, TX. Tân Châu) tạo ra những chậu bon-sai linh chi, rượu linh chi, bột linh chi, trà linh chi… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Các sản phẩm trên được đón nhận nhiệt tình, qua đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Trồng nấm linh chi vì… mê bon-sai

Từng là giáo viên Trường THCS Phú Vĩnh, với niềm đam mê cây bon-sai, sau khi nghỉ hưu, cô Lê Cẩm Hồng (sinh năm 1963) mong muốn phát triển loại cây trồng vừa mang lại thu nhập, vừa đáp ứng sở thích chơi bon-sai của bản thân. Sau nhiều lần tìm tòi, nghiên cứu, cô Hồng quyết định phát triển mô hình trồng nấm linh chi. Trên diện tích 100m2, cô Hồng trồng 1.000 bịch phôi giống, được mua từ một nhà cung cấp uy tín ở huyện Châu Thành.

Khi mới bắt đầu với mô hình trồng nấm linh chi, cô Hồng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ sự cần mẫn, chịu khó học hỏi, đến nay mô hình trồng nấm linh chi đã cho kết quả khả quan. Sau hơn 1 năm phát triển mô hình, cô Hồng cho biết, việc trồng và chăm sóc nấm linh chi rất nhẹ nhàng, không tốn nhiều công sức, chỉ cần tưới đủ nước hàng ngày là cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên,  trồng nấm linh chi đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mẩn trong từng công đoạn, trong đó nhà trồng phải thoáng mát, sạch sẽ, duy trì nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Nguồn nước phải được xử lý sạch trước khi tưới. Bên cạnh đó, phải dùng lưới che chắn không cho côn trùng lọt vào đục phá nấm… Trong quá trình chăm sóc, phải hoàn toàn bảo đảm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trên cây nấm thường xuất hiện một số loại sâu, bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất cây nấm và có thể lây lan, nông dân phải thường xuyên thăm trại để sớm phát hiện bệnh, từ đó có biện pháp cách ly hợp lý, tránh lây lan qua các phôi nấm khác.

“Nấm linh chi sau thời gian trồng khoảng 5 tháng có thể thu hoạch. Mỗi bịch phôi thu hoạch 3 đợt, năng suất bình quân 250-300gr/bịch phôi. Sau khi thu hoạch thì sát trùng, vệ sinh nhà nuôi và tiếp tục chăm sóc cho đợt nấm sau” - cô Hồng chia sẻ.

Đa dạng sản phẩm từ nấm linh chi

Trồng nấm linh chi đòi hỏi sự tỉ mỉ cao

Đa dạng sản phẩm phục vụ khách hàng

Theo các tài liệu nghiên cứu, nấm linh chi là một loại thảo dược, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều hòa huyết áp, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể, hỗ trợ giải độc và cải thiện bệnh viêm gan mãn tính, xơ gan, thần kinh suy nhược… Do những dược tính nổi bật của nấm linh chi, nên giá nấm linh chi được cô Hồng bán ra khá cao, khoảng 800.000/kg đối với nấm đã phơi khô.  “So với các loại nấm khác, nấm linh chi cho thu nhập khá cao, từ 1.000 bịch phôi ban đầu (6.000 đồng/bịch), sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng hơn 10 triệu đồng”-cô Hồng chia sẻ.

Hiện nay, nấm linh chi được cô Hồng chế biến nhiều mặt hàng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng như: tai nấm (giữ nguyên), tai nấm cắt miếng, bột nấm linh chi, rượu linh chi, linh chi bon-sai… Các sản phẩm này có giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng, rất tiện lợi trong quá trình sử dụng. Đặc biệt, mặt hàng nấm linh chi bon-sai được tiêu thụ mạnh trong dịp cận Tết Nguyên đán với giá bán từ 100.000-500.000 đồng đối với bon-sai để bàn và 500.000-600.000 đồng đối với bon-sai sừng.

Thời gian tới, cô Hồng sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng quy mô sản xuất lên 300m2, tăng số lượng phôi giống lên 3.000 bịch, tăng vốn đầu tư, xây dựng nhà nấm đúng quy chuẩn, đồng thời nghiên cứu sản xuất các mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng... Tuy nhiên, hiện nay đầu ra của loại nấm này chưa được rộng mở, chủ yếu cung cấp cho thị trường ở địa phương cũng như một số nơi ở TP. Long Xuyên. Cô Hồng tâm sự: “Mặc dù đây là một loại dược liệu quý nhưng người dân chưa tiếp cận được nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do giá mặt hàng này khá cao. Do đó, các ngành chức năng cần hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm để phát triển mô hình trồng nấm linh chi”.

Hiện nay, do đời sống tăng cao, người dân ngày càng quan tâm tới sức khỏe nên nhu cầu nấm linh chi cho thị trường lớn hơn, nghề trồng nấm linh chi dần có chỗ đứng. Tuy nhiên, loại nấm này rất khó trồng, đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể trồng thành công. Vì vậy, bà con nông dân muốn trồng loại nấm này phải tìm hiểu kỹ và nắm chắc về khoa học - kỹ thuật, cũng như quy trình trồng, yêu cầu điều kiện để nấm phát triển đối với mỗi trại nấm… Có như vậy mới có thể đảm bảo thu nhập, lợi nhuận cho bà con nông dân.

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN