Đã đến lúc tạm biệt khói đồng

31/08/2018 - 06:42

 - Hễ thấy trên những con đường nông thôn đầy bùn đất, lại nghe mùi hăng hắc “sương khói mờ nhân ảnh”, người ta biết ngay rằng một vụ mùa nữa đã xong. Đó là lúc người nông dân (ND) chở thành quả về nhà, hoặc thương lái đến chở nông sản đi. Cánh đồng lúa vàng hôm trước nay trở thành cánh đồng khói. ND đốt rơm rạ để “thanh toán” cù cặn của mùa này, gieo niềm hy vọng vào mùa sau thắng lợi hơn.

Đúc kết kinh nghiệm làm nông bao đời, ND ưa chuộng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Út (ngụ xã Lương Phi, Tri Tôn), gốc rạ sau khi thu hoạch sẽ lỏi chỏi, trộn lẫn vào đất, nếu không đốt sẽ khó trồng trọt mùa sau. Việc đốt gốc rạ sẽ làm cho đất dễ cày xới, rơm rạ đốt xong tạo thành loại dinh dưỡng bón cho đất.

“Còn cách ủ gốc rạ thành mùn, nhưng cách này mất 1-2 tháng mới có thể phân hủy xong gốc rạ. Trong thời gian đó, NDsao có thể cày xới, chuẩn bị kịp cho lúa vụ sau? Đó là chưa kể, lúc ủ, gốc rạ “hực” lên mùi khó chịu, làm không khéo thì mùa sau lúa bị ngộ độc hữu cơ. Còn nếu muốn phân hủy nhanh, không bị ảnh hưởng lúa thì phải mua thuốc về ủ, tốn kém thêm một mớ nữa. Suy đi tính lại, cách nào gọn nhẹ, đỡ tốn kém nhất thì chọn thôi”- ông Út phân tích.

Vậy là cứ theo thói quen cũ, người ta lại đốt đồng. Nếu trời nắng gắt, từ 2-4 ngày sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ khô nhanh thì bắt đầu “nổi lửa” ngay. Đợt trước, mưa nhiều trận làm cánh đồng ướt nhẹp, ND loay hoay chờ cơn nắng. Vừa qua nắng gắt buổi trưa, gốc rạ khô cứng lại, họ bắt đầu đốt.

“Việc đốt đồng ít tốn công sức, nên chủ ruộng thường tự mình đốt, chứ không thuê mướn nhân công. Người có kinh nghiệm sẽ canh hướng gió, chọn góc đốt để tránh cháy lan sang ruộng người khác. Có khi lu bu quá, không còn thời điểm nào thuận lợi hơn, họ đốt vào chiều muộn. Lúc đó nắng tắt, lửa cháy không mạnh, khói mịt trời, vừa đốt vừa “khóc”, khói tràn vào mắt mũi, xót gần chết!”- ông Nguyễn Văn Thành (ngụ thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) chia sẻ.

Đốt đồng sau thu hoạch lúa

Đốt đồng sau thu hoạch lúa

Khói đồng lảng bảng in lên trời xanh, khung cảnh ấy đẹp đến mức làm nhiều người xa quê nhớ mãi khôn nguôi. Họ thèm được một lần quay trở về lúc nhỏ, cùng gia đình ra bờ ruộng, lăng xăng mồi lửa vào đám rạ rồi bỏ chạy khi lửa phừng lên. Khi mọi công đoạn hoàn tất, cánh đồng phủ một màu tro đen, trong không khí còn phảng mất mùi khói hăng nồng, ai nấy mệt nhoài trở về nhà, mà nghe “khỏe” trong lòng gì đâu!

Chỉ có điều, bây giờ ai cũng biết, các nhà khoa học, chính quyền địa phương khuyến cáo ngưng đốt đồng để tránh “lợi bất cập hại”. Tro của rơm rạ mang về một lượng dinh dưỡng nhỏ cho đất, nước trong đất lại bốc hơi rất nhiều. Dần dần, đất bị biến chất, khô cằn, mất dinh dưỡng. Đốt đồng làm sạch đất, giúp tiêu diệt một số loài côn trùng, mầm bệnh, cỏ dại nhưng lại làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến người tham gia giao thông trên đường. Nguy hiểm hơn, trong tỉnh xảy ra không ít vụ cháy lan sang ruộng bên cạnh, chỉ vì gió đổi hướng hoặc không thể khống chế “bà hỏa” đã bùng lên.

Từ thực tế trên, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thị xã, thành phố có phương án tổ chức các hoạt động xử lý phơi, sấy nông sản và các sản phẩm phụ của nông sản sau thu hoạch phục vụ nhu cầu của Nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân: tuyệt đối không sử dụng lòng đường trái phép để phơi nông sản, rơm rạ, không đốt rơm rạ, các sản phẩm phụ của nông nghiệp sau thu hoạch trên đường và dọc hành lang an toàn các tuyến đường bộ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Trong Chiến lược Quản lý và sử dụng hiệu quả sinh khối của cây lúa để sản xuất năng lượng trong điều kiện biến đổi khí hậu của tỉnh An Giang đến năm 2030 (tổng kinh phí 4.310 tỷ đồng), từ năm 2015 -2020, diện tích có thu gom rơm rạ xử lý và không đốt tại đồng ruộng là 20% cho toàn tỉnh và 40% cho huyện Châu Thành.

Từ năm 2021-2030, diện tích có thu gom rơm rạ xử lý và không đốt tại đồng ruộng là 40% cho toàn tỉnh An Giang và 60% cho huyện Châu Thành. Tỷ lệ rơm rạ được thu gom để sản xuất năng lượng hoặc nhiên liệu là 15% cho toàn tỉnh An Giang và 30% cho huyện Châu Thành. Rơm rạ thu gom có thể được tận dụng để sản xuất nhiên liệu, trồng nấm hoặc xử lý với Trichoderma tại đồng ruộng để sản xuất phân bón, thay vì đốt bỏ tại đồng ruộng.

Ở nhiều nơi, ND tận dụng máy cuốn rơm, thu gom rơm để bán cho thương lái, tận thu nguồn phụ phẩm này. Chỉ vài mươi nghìn đồng/công rơm, nhưng “có còn đỡ hơn không”, lại khỏi phải đốt đồng mù mịt như trước. Mấy cuộn rơm được hồ hởi chở đi, lúa chét trên đồng đón chào bầy vịt tới mót, coi như “vẹn cả đôi đường!”- một ND ví von như thế. Rồi rơm còn được sử dụng trồng nấm trong nhà. Tranh thủ lúc nông nhàn, bà con dùng rơm ủ nấm, sau vài tháng có thêm sản phẩm mới bán ra thị trường. Tính tới tính lui, vòng đời của rơm được kéo dài một cách hữu ích, so với đốt bỏ thì có lợi hơn nhiều!

Để thay đổi tập quán lâu đời, phải cần thời gian rất dài, tháo gỡ từ từ, từng chút một. Rồi sẽ đến lúc, khói đồng biến mất, sẽ làm người ta nhớ quay quắt mỗi khi hoài niệm quê nhà “hồi xưa”. Nhưng điều đó hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của cuộc sống, vì một môi trường trong lành, văn minh hơn!

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG