Đặc sắc lễ hội Nghinh ông ở núi Sam

05/04/2019 - 07:29

 - Có bề dày lịch sử hàng trăm năm, lễ hội Nghinh ông ở núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) thu hút rất đông du khách vào ngày rằm tháng giêng hàng năm. Đây là hoạt động văn hóa độc đáo, phản ánh quá trình định làng, lập ấp của người dân Vĩnh Tế - núi Sam xưa còn tồn tại đến ngày nay.

Lễ hội Nghinh ông được người dân địa phương gọi là lễ rước ông Châu Xương. Đây là nhân vật xuất hiện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của nhà văn La Quán Trung. Châu Xương được miêu tả là người có hình dáng uy dũng, “mặt đen râu xồm”, đại diện cho tính cách khí khái, trượng nghĩa và là cận tướng trung thành của Quan Công. Cùng với Quan Công, Quan Bình, ông Châu Xương cũng hiển thánh sau khi qua đời để giúp dân.

Lễ hội Nghinh ông ở núi Sam với các hoạt động nổi bật vừa mang tính tín ngưỡng, vừa mang nét đẹp văn hóa địa phương thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Một người dân uy tín tại địa phương sẽ hóa thân thành nhân vật Châu Xương và thực hiện nghi lễ vào lúc 12 giờ trưa. Sau đó, sẽ có đoàn tùy tùng gồm đội trống kèn, quân lính hộ tống ông Châu Xương đi vòng quanh núi Sam để ban phước cho người dân.

Đặc sắc lễ hội Nghinh ông ở núi Sam

Trẻ nhỏ được ông Châu Xương xoa đầu

Trên đường đi, ông Châu Xương ngồi trên kiệu để sờ đầu trẻ nhỏ nhằm xua đuổi bệnh tật, cho sức khỏe và trí tuệ. Khá nhiều trẻ nhỏ sợ  hình tượng “mặt đen râu xồm” của ông Châu Xương. Tuy nhiên, người lớn vẫn cố gắng đưa con cháu mình vào gần kiệu để ông Châu Xương xoa đầu. Đây là hoạt động tâm linh, có truyền thống văn hóa địa phương nên người dân rất tin tưởng và trở thành một phần không thể thiếu của lễ hội Nghinh ông hàng trăm năm nay.

Một hoạt động khác rất đặc sắc trong lễ hội Nghinh ông là “ban nước thiêng” cho người tham gia lễ hội. Người dân sẽ chuẩn bị sẵn những chai nước để ông Châu Xương sờ vào xem như ban phép màu nhiệm. Ông Nguyễn Văn Xiêm (một người dân địa phương) chia sẻ: “Tôi đã tham dự lễ hội này từ ngày còn nhỏ. Du khách tới đây thấy thích thú và tham gia với người dân núi Sam khá nhiệt tình. Nhiều người mua nước uống đóng chai rồi xin ông Châu Xương ban phước như dân địa phương!”.

Trong quá trình đi vòng quanh núi Sam, ông Châu Xương và đoàn tùy tùng sẽ làm nghi thức “dẹp ma quỷ” rồi trở về miếu Âm Nhơn để thả hồn chúng vào 1 chiếc hũ. Sau một loạt nghi thức, đám ma quỷ này sẽ bị tống đi lúc 22 giờ đêm. Hoạt động “dẹp ma quỷ” trong lễ hội Nghinh ông phản ánh mong ước của người xưa trong quá trình chinh phục vùng đất quanh núi Sam, trở thành nghi thức văn hóa tiêu biểu tồn tại song song với Lễ Vía Bà Chúa xứ núi Sam hàng năm. Trên đường về, ông Châu Xương sẽ ghé qua miếu Bà Chúa Xứ núi Sam để làm lễ, tạo nên điểm nhấn rất đặc biệt đối với du khách.

Ông Nguyễn Ngọc Tú (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) thích thú: “Tôi nghĩ đến đây chỉ đơn giản là để cúng bà nhưng không ngờ được chứng kiến lễ Nghinh ông độc đáo này. Quả thật, vùng đất nào cũng có những nét văn hóa đặc thù, tạo cảm giác mới lạ cho du khách. Vì đi cúng bà từ đầu năm nên tôi không có dịp tham gia lễ vía, giờ được dự lễ Nghinh ông nên thấy vui lắm. Điều thú vị nữa là ngoài ông Châu Xương còn có hình tượng hóa thân của ông Quan Công, Quan Bình, cho thấy tính toàn diện trong tín ngưỡng của người dân núi Sam. Thật ra, việc xuất hiện của “tam thánh” này mới đúng với tín ngưỡng dân gian, chứ riêng ông Châu Xương thì không đủ”.

Lễ Nghinh ông Châu Xương là hoạt động rất độc đáo, diễn ra trong thời điểm đầu năm mới nên có thể kết hợp vào các hoạt động của Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, trở thành trải nghiệm tuyệt vời, giúp du khách hiểu thêm truyền thống văn hóa của vùng đất Vĩnh Tế - núi Sam xưa và nay. Vì vậy, lễ Nghinh ông ở núi Sam cần được đầu tư, nâng chất, góp phần đa dạng hóa hoạt động vui chơi, tín ngưỡng của du khách khi đến với TP. Châu Đốc trong mùa vía bà hàng năm.

MINH QUÂN