Đặc sản nếp Phú Tân

12/02/2018 - 01:51

 - Nếp không chỉ là đặc sản trứ danh của huyện cù lao Phú Tân mà còn là nguyên liệu chính sản xuất bánh phồng - sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước.

Năm 2009, sản phẩm nếp Phú Tân đã có nhãn hiệu tập thể, tuy nhiên, mức độ nhận diện thương hiệu vẫn còn bỏ ngõ. Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư cho chương trình xây dựng lại thương hiệu nếp Phú Tân. Bắt đầu từ năm nay, thương hiệu nếp Phú Tân sẽ được triển khai theo chiến lược phát triển thương hiệu gồm: truyền thông thương hiệu tại thị trường trong nước, truyền thông thương hiệu tại thị trường nước ngoài khi hệ thống nhận diện thương hiệu của nếp Phú Tân được xác lập hoàn chỉnh. Hiện nay, giống nếp CK2003 và CK92 là 2 giống nếp chủ lực của huyện Phú Tân được nông dân (ND) lựa chọn canh tác nhiều nhất. Nếp Phú Tân có hương thơm đặc trưng, độ thuần đến 99%, năng suất đạt từ 8-10 tấn/ha. Ngoài ra, còn có dòng nếp thơm NK2 đang sản xuất và nhân giống tại xã Phú Hưng và Phú An với quy trình khép kín từ khâu nhân giống đến chế biến thành phẩm. Chất lượng nếp Phú Tân được nhiều người đánh giá cao và ưa chuộng. Bên cạnh xây dựng mô hình điểm sản xuất nếp chất lượng cao theo hướng khép kín, nếp Phú Tân được giới thiệu tại các lễ hội ẩm thực, hội chợ hàng Việt thông qua chế biến các món ăn đặc trưng như: bánh phồng, xôi phồng.

Nông dân đang thu hoạch nếp ở Phú Tân

Là vùng chuyên canh, các chương trình khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật cho ND trong những năm qua được triển khai rất tốt. Phần lớn diện tích sản xuất theo chương trình “3 giảm, 3 tăng” và tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn “1 phải, 5 giảm”, mục đích bảo vệ thiên địch, đảm bảo an toàn cho sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất cho ND, từ đó tăng lên lợi nhuận. Nhờ có hệ thống đê bao khép kín Bắc Vàm Nao, huyện Phú Tân sản xuất 3 năm/8 vụ, với diện tích trên 66.000ha lúa (nếp chiếm trên 92%), sản lượng bình quân cả năm đạt 0,5 triệu tấn. Toàn huyện có hơn 2.500ha diện tích nhân giống, trong đó có 854ha thuộc 18 tổ sản xuất giống, 1.652ha sản xuất giống ngoài tổ. Quy trình thu hoạch nếp được cơ giới hóa 100% cùng với hệ thống lò sấy được đầu tư hoàn chỉnh với khoảng 500 lò, góp phần hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Một trong những địa chỉ sản xuất nếp giống được khẳng định là Tổ liên kết sản xuất nếp giống xã Phú Hưng, đi đầu về nếp giống CK92 chất lượng cao. Kết hợp kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật tiến bộ từ các lớp tập huấn, các thành viên trong tổ còn thay phiên đi học các lớp về kỹ thuật và tham quan ở những vùng nhân giống quy mô để rút kinh nghiệm trong sản xuất. Một vụ, Tổ liên kết sản xuất giống cung ứng trên 300 tấn nếp giống, một năm 3 vụ sản xuất ra hơn 1.000 tấn. Trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi hàng năm có rất nhiều ND vươn lên là gương sáng làm giàu gắn với cây nếp truyền thống.

Thời gian qua, trên cơ sở đề tài nghiên cứu phục tráng giống CK2003 và CK92 vào năm 2010 của Trường Đại học Cần Thơ, huyện Phú Tân đã tổ chức nhân giống và chuyển giao cho ND sản xuất. ND liên tục được cập nhật, chuyển giao kỹ thuật mới để áp dụng trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nếp theo từng giai đoạn. Đến nay, lượng giống qua phục tráng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, hạn chế việc thoái hóa giống và tiến tới “thương mại hóa” khâu sản xuất giống lúa, nếp. Để giải quyết tình trạng ND tự sản xuất nếp, tiêu thụ “tự do” và thực trạng “được mùa, mất giá” hoặc “mất mùa, được giá”, ngành nông nghệp Phú Tân quy hoạch vùng sản xuất nếp giống theo các tổ, đội sản xuất giống cộng đồng với quy mô 1.200ha đảm bảo nhu cầu giống xác nhận trong huyện. Quy hoạch vùng sản xuất nếp, lúa phục vụ xuất khẩu tập trung theo hướng nâng cao chất lượng, dựa trên lợi thế, điều kiện của từng xã, thị trấn. Trong đó tập trung gắn kết với doanh nghiệp nhằm ổn định và quản lý tốt chất lượng sản phẩm phục vụ cho thị trường.

TRỌNG TÍN - PT