Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa nắng nóng

25/03/2019 - 07:38

 - Nắng nóng đang diễn ra gay gắt. Thức ăn ở các hàng quán, nhất là thức ăn đường phố, rất dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản cẩn thận. Ngành y tế triển khai nhiều đợt ra quân kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho người dân.

Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ảnh: N.HUY

Còn nhớ vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH S.H An Giang năm 2017 làm 571 công nhân phải nhập viện khẩn cấp với nhiều triệu chứng: nôn ói, đau đầu, chóng mặt... Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hầu hết các mẫu thức ăn, mẫu nước đều có chỉ tiêu vi sinh vượt ngưỡng cho phép. Gần đây, một số người có biểu hiện chóng mặt, nôn ói sau khi ăn tiệc cưới ở một địa phương trong tỉnh. Người dân tự đến bác sĩ kiểm tra và mua thuốc uống. Trước đó, TX. Tân Châu đã có hàng chục người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc cưới ở địa phương…

Hầu hết những vụ ngộ độc xảy ra đều do thực phẩm không được bảo quản đúng cách, có chỉ tiêu vi sinh vượt ngưỡng cho phép… Đặc biệt, trong mùa nắng nóng như hiện nay rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm do nhiệt độ tăng cao làm ảnh hưởng chất lượng thực phẩm. Ngành chức năng, chủ lực là Chi cục ATVSTP đã rất tích cực, chủ động triển khai nhiều đợt kiểm tra nhằm đảm bảo ATVSTP cho người dân, cao điểm vào dịp lễ, Tết.

BS Nguyễn Chí Công, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, công tác truyền thông là rất quan trọng nhằm nâng cao ý thức người cung cấp và người sử dụng thực phẩm. Vì thế, chúng tôi tăng cường truyền thông rộng khắp từ tỉnh đến xã, đa dạng hóa các loại hình, nội dung. Tổ chức các hoạt động truyền thông lưu động nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chọn lựa thực phẩm an toàn, cũng như khuyến cáo 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ liên quan ở tuyến huyện và xã để triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSTP. Qua đó, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cũng như triển khai các văn bản mới liên quan đến công tác quản lý ATVSTP, như: công tác điều tra, thống kê và báo cáo ngộ độc thực phẩm; kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP và bản cam kết bảo đảm ATVSTP, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, công tác thanh, kiểm tra…

Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập gồm đại diện 3 ngành: y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt có sự tham gia của đại diện MTTQVN. Từ đầu năm 2019 đến nay đã tổ chức 172 đoàn thanh, kiểm tra (169 đoàn liên ngành), trong đó 1 đoàn tuyến tỉnh, 14 đoàn tuyến huyện, 157 đoàn tuyến xã. Qua đó, thanh, kiểm tra 4.187 cơ sở, kết quả có 3.690 cơ sở đạt tiêu chuẩn (tỷ lệ 88%), 497 cơ sở vi phạm, phạt tiền 5 cơ sở và nhắc nhở 497 cơ sở. Đa số các cơ sở vi phạm về điều kiện con người, vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ, chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, công bố sản phẩm, hàng không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng... Thực hiện test nhanh với tỷ lệ đạt trung bình 96%, tập trung ở các test sau hàn the, clo dư... 

Mới vào đầu năm 2019 nhưng cả nước xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt nắng nóng đang vào cao điểm gay gắt, dễ bùng phát nhiều dịch bệnh. Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Tuấn cho biết, ngành y tế tích cực chủ động trong công tác dự phòng; phòng, chống dịch bệnh... để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, chú trọng hành vi của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe. Chủ động phối hợp các ngành chức năng thực hiện tốt quản lý chất lượng ATVSTP, đặc biệt lưu ý các giải pháp kiểm soát ATVSTP tại các bếp ăn tập thể.  

BS Nguyễn Chí Công, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh khuyến cáo, ngộ độc thực phẩm có nguy cơ tăng mạnh, nhất là vào mùa nắng nóng, vì thế cần hết sức lưu ý khi sử dụng. Người cung cấp, chế biến thức ăn cần rửa tay sạch khi chế biến, chia thức ăn để đảm bảo vệ sinh. Các dụng cụ nấu nướng, chứa đựng thức ăn cần được tẩy rửa, lau chùi sạch sẽ. Đối với thức ăn đường phố cần bảo quản kỹ, tránh khói bụi, không khí ô nhiễm, ruồi sẽ làm thức ăn kém phẩm chất, nhiễm khuẩn. Lưu ý, đối với thức ăn nóng và thức ăn lạnh phải được bảo quản phù hợp, vì vi khuẩn có thể phát triển nhanh khi nhiệt độ chuyển ở mức giữa nóng và lạnh. Đặc biệt, khi đi du lịch có sử dụng bánh mì mang theo phải được bảo quản kỹ, tránh chế biến trước đó quá lâu sẽ làm các loại thực phẩm bên trong (pa-tê, chả lụa, dưa chua…) dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn, ăn vào dễ gây đau bụng, tiêu chảy.

HỮU HUYNH