Đam mê nghề truyền thống

06/11/2019 - 07:53

 - Khởi nghiệp chỉ với 3 triệu đồng cùng vô vàn những khó khăn, nhưng anh Nguyễn Ngọc Sĩ (sinh năm 1983, ngụ thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) đã từng bước vượt khó vươn lên, phấn đấu làm giàu bằng nghề làm cối đá truyền thống của địa phương.

Từ bao đời nay, người dân thị trấn Núi Sập đã gắn bó với nghề làm cối đá; có gia đình đã trải qua 3-4 đời “bám víu” với nghề làm cối đá. Khoảng 20 năm trước, chính quyền địa phương cho ngưng việc khai thác đá, nên nhiều hộ gia đình buộc phải chuyển sang nghề khác để làm lụng kiếm sống; một số người phải rời bỏ quê hương để mưu sinh. Cũng giống như nhiều hộ dân khác trên địa bàn, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, anh Nguyễn Ngọc Sĩ phải rời xa quê hương để tìm kế sinh nhai. Trải qua nhiều năm vất vả nơi đất khách quê người, năm 2016, anh Sĩ quyết định trở về quê hương với một ít vốn trong tay. Sau thời gian góp vốn làm ăn với người bạn nhưng không thành công, anh Sĩ tiếp tục đi làm thuê cho một doanh nghiệp tại địa phương, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, anh Sĩ phải thôi việc làm vì công việc không phù hợp và nguồn thu nhập bấp bênh.

Một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ

Tình cờ được người bạn giới thiệu nghề làm cối đá đang có xu hướng hút hàng, ngay trong lúc thất nghiệp nên anh Sĩ đã quyết định thử vận may với nghề này. Nhờ được người bạn hướng dẫn nhiệt tình cách thức thực hiện, nên chỉ sau 2 ngày anh Sĩ đã nắm bắt được kỹ thuật làm cối đá. Anh Sĩ cho biết, mỗi chiếc cối được tạo ra thường phải trải qua nhiều công đoạn; đầu tiên phải kể đến đó là công đoạn tìm chọn nguyên liệu, để có được những chiếc cối bền, đẹp thì công đoạn chọn đá rất quan trọng. Loại đá được chọn phải là đá nguyên khối, không có thớ và không xuất hiện vết nứt… khi chế tác mới không bị vỡ, sức bền chịu lực mới được lâu. Đá được chọn là loại đá hoa cương và được mua ở hòn Sóc (Kiên Giang). Lý giải về điều này, anh Sĩ cho biết, do đá lấy ở hòn có vân đá đẹp, độ bóng cao, hoa văn rõ ràng, nổi bật nên được nhiều người sử dụng ưa chuộng.

Đá sau khi được mua về trải qua nhiều công đoạn như: cắt gọn, gạt mặt (cho bằng mặt), đo chiều dày, làm bìa, móc lòng, làm bống cối… Theo anh Sĩ, yếu tố chính để làm cối đẹp cần đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ và tập trung cao độ của người thợ mới cho ra được một sản phẩm ưng ý. “Để làm ra 1 chiếc cối đá, bình quân phải mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Cối đá có 2 loại: loại lớn và loại nhỏ. Loại lớn có đường kính khoảng 35cm và loại nhỏ có đường kính khoảng 10cm. Giá mỗi chiếc cối dao động từ 100.000-600.000 đồng” - anh Sĩ chia sẻ.

Khi đã nắm vững được kỹ thuật làm cối đá, anh Sĩ bắt tay vào quy trình sản xuất đại trà. Và một trong những trở ngại đầu tiên đối với anh đó là nguồn vốn. Anh Sĩ cho biết, do kinh tế gia đình còn khó khăn, anh phải vay mượn của người thân trong gia đình được 3 triệu đồng, từ nguồn vốn này anh trang bị 2 chiếc máy mài và 100 khối đá để sản xuất cối đá. Sau khi đã có sản phẩm, khó khăn tiếp theo anh Sĩ gặp phải là tìm kiếm thị trường đầu ra. Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Sĩ chia sẻ: “Để đưa sản phẩm ra được với thị trường, chúng tôi phải đi đến từng khu chợ ở các địa phương trong tỉnh để chào hàng. Lúc đầu, các cửa hàng còn ngần ngại, không dám nhận hàng vì chưa biết sản phẩm như thế nào, sợ không bán được. chúng tôi đã cố gắng thuyết phục, chào hàng… dần dần, họ cảm nhận được chất lượng sản phẩm nên mới đồng ý nhận hàng của gia đình”.

Sản phẩm cối đá được đánh giá cao bởi chất lượng đảm bảo, kiểu dáng bắt mắt

Hiện nay, Cơ sở sản xuất cối đá Ngọc Sĩ của gia đình anh Nguyễn Ngọc Sĩ đã đi vào hoạt động ổn định. Với tiêu chí “đẹp - chắc - bền”, sản phẩm cối đá của Cơ sở sản xuất cối đá Ngọc Sĩ đã có mặt ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, TP. Long Xuyên… và một số địa phương của tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang… Sản phẩm bền, đẹp nên được khách hàng đánh giá khá cao, số lượng làm ra bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu. “Hiện nay, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này ngày càng tăng cao. Trong đó, tiêu thụ nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 (âm lịch) hàng năm; bình quân mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho các cửa hàng từ 150-180 cối tùy theo kích cỡ”.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Nguyễn Ngọc Sĩ cho biết, sẽ mở rộng thêm quy mô cơ sở, nghiên cứu sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới như: đèn đá, hoa sen đá, tháp, bàn ghế… để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

ĐỨC TOÀN