Đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó có thể giải quyết được bất đồng

17/09/2019 - 20:04

Trung Quốc không thể chấp nhận yêu cầu của Mỹ về những thay đổi căn bản trong điều hành nền kinh tế, trong khi Mỹ sẽ không rút lại việc quy các công ty Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Quan chức Mỹ-Trung Quốc tại vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 31-7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại vào cuối tuần này, nhưng bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể chỉ là một giải pháp tình thế.

Trung Quốc không thể chấp nhận yêu cầu của Mỹ về những thay đổi căn bản trong cách thức điều hành nền kinh tế, trong khi Mỹ sẽ không rút lại việc quy các công ty Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 6-9 cảnh báo bất đồng giữa hai nước có thể mất cả thập niên mới giải quyết được. Trong khi đó, cựu cố vấn chính sách có tầm ảnh hưởng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yu Yongding nói rằng nước này không vội vàng trong việc đạt thỏa thuận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đạt được một thỏa thuận tạm thời vào tháng 10 tới để xoa dịu các thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, bà Kellie Meiman Hock - đối tác quản lý của McLarty Associates và là cựu quan chức của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ - cho rằng bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng khó có thể giải quyết được thấu đáo vấn đề cải cách cơ cấu mà Mỹ cũng như các nước khác muốn Trung Quốc thực hiện.

Các nhà đàm phán của hai nước ít đạt được tiến triển rõ rệt trong các điểm bất đồng then chốt kể từ khi các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc hồi tháng 5-2019.

Trung Quốc không sẵn sàng giải quyết vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước trong các cuộc đàm phán sắp tới, trong khi Mỹ tiếp tục cho rằng tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và vẫn để ngỏ tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Theo nhà nghiên cứu He Weiwen, thuộc Viện nghiên cứu tài chính Chongyang của Đại học Renmin, kết quả đàm phán cuối cùng phải xóa bỏ mọi loại thuế. Ông cũng bày tỏ không lạc quan về triển vọng đàm phán.

Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đổ vỡ hồi tháng Năm, cả hai nước đã phá vỡ các cam kết và công khai chỉ trích lẫn nhau.

Theo một nghiên cứu của hãng nghiên cứu Rhodium Group, đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ trong nửa đầu năm 2019 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thỏa thuận góp vốn giữa hai nước giảm xuống 13 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo LÊ MINH (TTXVN/Vietnam+)