Dân dã dừa nước

01/01/2019 - 07:38

 - Không có nước ngọt như dừa tươi, cũng không dày thịt, to xác như thốt nốt, dừa nước nhỏ bé nằm nép mình tròn xoe trong buồng dừa. Vậy mà năm này qua tháng nọ, chúng lặng lẽ đi vào đời sống ẩm thực của người miền Tây, gợi nhớ về hương vị miệt vườn trong ký ức của họ.

Dừa nước là món ăn dân dã, không thật sự đặc sắc như các loại trái cây khác, nhưng có sức hút riêng, nét thú vị riêng, nên không ít người ưa chuộng. Phần thịt trắng đục, chỉ lớn hơn đầu ngón tay cái. Ăn ngon nhất là khi chúng còn độ non mềm. Bỏ vào miệng, chúng như muốn tan ra, ngọt thanh tao, hòa quyện cùng hương thơm nhàn nhạt trên chóp mũi. Phần thịt non thì hương vị hụt đi một chút. Phần thịt dày hơn thì lại xảm xảm trong khoang miệng, bớt ngon ngọt. Biết dừa nước “đỏng đảnh” như vậy, có người bán nảy ra “sáng kiến”: trộn loại non và hơi già chung với nhau, thắng đường ướp vào trước khi bán. Thành ra lúc này, dừa nước mang theo vị ngọt giả tạo, nặng hơn bình thường, có thể “giúp” người bán thêm lợi nhuận. Chỉ có điều, cách làm ấy chẳng giúp họ bán được bền lâu. Dừa nước nằm chung với nước đường, qua tác động của nhiệt độ, nắng gió... lại “ỉu xìu”, chuyển hẳn sang vị chua lòm. Dân dã đến mức nào thì dừa nước vẫn có “nguyên tắc” riêng, không thích sự can thiệp trái khoáy từ bên ngoài.

Dừa nước giờ ra trái quanh năm, muốn ăn lúc nào cũng có, miễn là biết chỗ mua. Thuận theo nhu cầu khách, nhiều người chọn việc mua, bán dừa nước làm kế sinh nhai. Ở một góc chợ gần bến phà Ô Môi (TP. Long Xuyên), bà Huỳnh Kim Việt (65 tuổi, ngụ phường Mỹ Long) gắn bó với trái dừa nước đã lâu. “Tôi là người bán dừa nước đầu tiên ở chợ này, nhưng không phải bán xuyên suốt. Cả chục năm nay, mỗi lần dời chỗ, tôi lại nghỉ bán dừa, chuyển sang bán thức ăn khác. Sau đó bán lại, rồi nghỉ tiếp. Hiện giờ, tôi quyết định bán trở lại, để giữ mối, phục vụ khách quen. Lúc trước, dừa nước (phần thịt được lấy ra sẵn) chỉ có 10.000 đồng/kg, nay lên tới 60.000 - 80.000 đồng/kg, đủ để biết chúng hút hàng cỡ nào”.

Pha ly dừa nước trộn lẫn nước dừa tươi xong, bà Việt kể lại câu chuyện gắn bó của dừa nước với mình. Toàn bộ dừa nước, bà mua từ thương lái ở Bến Tre về. Bà đặt mua bao nhiêu buồng họ ghi nhận bấy nhiêu. Mười ngày, nửa tháng, chiếc ghe chở cả ngàn buồng dừa nước xuôi con nước từ Bến Tre, cập bến đò Ô Môi. Chất hàng cho bà gọn gàng, thương lái lại quày quả chiếc ghe đi nơi khác. Ít thương lái nào chịu tốn công chở hàng tận nơi như thế cả, chỉ do bà hợp đồng mua dừa nước loại ngon với họ lâu dài. Mấy buồng dừa mới hái, chặt ra nghe mùi thơm ngọt liền. Bán không hết, bà trữ lại cả chục ngày cũng không sao, miễn đừng cho dính nước mưa. Dừa nước nạo sẵn, bà ướp nước đá, để qua hôm sau vẫn chưa bị hỏng. Nhưng quả thật, dừa nước rất khó mua, bán. Khó ở chỗ, dù bán lâu vẫn thường bị lầm về chất lượng bên trong của chúng. Nhìn bên ngoài to tròn, lành lặn, nhưng có khi thịt chẳng bao nhiêu, hoặc bị già cứng. Phần thịt dừa nước chất lượng, đạt yêu cầu của khách khó đoán được tỷ lệ theo từng buồng, chỉ có thể “hên xui”. Buồng nào thịt ngon nhiều thì có lời hơn chút. Nếu không thì cắn răng chịu cảnh hao hụt, biết sao giờ!

“Tôi bán được nhờ khách quen, hoặc nhà hàng, quán cà phê mua mối 1-2kg/ngày. Họ dùng dừa nước để nấu chè, làm nguyên liệu pha chế trong thức uống của khách. Có người mua về ăn với mật ong để trị bệnh theo bài thuốc dân gian... Nói chung, dừa nước được ưa chuộng vì không sử dụng phân, thuốc, ăn nhiều chẳng ảnh hưởng sức khỏe, khác với những loại trái cây thông thường” - bà Việt cười xởi lởi, buông lời tổng kết câu chuyện về dừa nước. Tiếng khách í ới mua dừa nước lôi bà ra khỏi chỗ ngồi, nụ cười vẫn đọng lại trên môi...

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG