Dân U Minh Thượng ngao ngán với vụ mía đắng ngắt

12/07/2018 - 09:49

Nhiều hộ nông dân sống quanh vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng (huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) rất đau xót khi phải kêu máy cuốc vào cào bỏ những rẫy mía mà mình đã bỏ tiền của đầu tư và công chăm sóc gần năm trời.

A A

Nguyên nhân do giá mía quá thấp, nếu thu hoạch bán cũng không đủ tiền thuê nhân công đốn, thập chí kêu cho cũng không có ai lấy. Một vụ mía đắng ngắt với nông dân nơi đây.  

Mía đắng... thành mía thối

Sau đợt cháy lớn cách đây hàng chục năm, rừng U Minh Thượng được quy hoạch thành vườn quốc gia với diện tích hơn 8.000ha để bảo tồn, còn lại hơn 14.000ha vùng đệm bao quanh (thuộc địa bàn xã An Minh Bắc và Minh Thuận) được chia, cấp cho khoảng 3.500 hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo phát triển sản xuất.

Ghé nhà anh Dương Văn Vũ, một nông dân trồng mía ở ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc, hỏi thăm về tình hình sản xuất, tôi nhận được cái lắc đầu ngao ngán của cả 2 vợ chồng.

Anh Dương Văn Vũ phải đắng lòng kêu máy cuốc vào cào bỏ đi hơn 200 tấn mía cây, gây thối cả mương nước

“Đã 6-7 năm gia đình tôi theo đuổi cây mía nhưng chưa có năm nào thảm hại như năm nay. Giá giảm sâu chỉ còn 350-400 đồng/kg mía cây, nếu thu hoạch thì càng lỗ thêm vỉ chỉ tính riêng tiền mướn công đốn đã tốn hết 280 đồng/kg”, anh Vũ chua chát.

Niên vụ vừa qua anh Vũ trồng 4,5ha mía, trong đó có hơn 2ha là đất mướn. Để chắc ăn về đầu ra, anh ký hợp đồng bao tiêu với Cty TNHH MTV Nông nghiệp Mekong. Theo đó, đơn vị này đầu tư cho nông dân 12 triệu đồng/ha, gồm: giống, phân bón và bao tiêu mía nguyên liệu với giá sàn 900 đồng/kg, mía 10 chữ đường. Nhưng trớ trêu thay, giá bao tiêu nói trên lại được tính tại cầu cảng nhà máy đường của CASUCO cách mấy chục km ở tận tỉnh Hậu Giang. Trong khi nông dân hoàn toàn không có phương tiện vận chuyển. Thế là đành lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái, giá sàn bao tiêu thành vô nghĩa.

Nhẩm tính, anh Vũ cho biết vụ mía này gia đình thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Cụ thể hơn 2ha đất mướn đầu tư trồng mới hết 200 triệu đồng, chưa kể 20 triệu tiền thuê đất, nhưng do mía rẻ như cho nên chỉ bán mão toàn bộ được 30 triệu đồng. Còn diện tích đất nhà bán chưa được 100 tấn với giá 350 ngàn đồng/tấn, còn lại khoảng hơn 200 tấn mía cây đành phải cào bỏ. Phía đơn vị bao tiêu cho khoanh nợ tiền đã đầu tư nhưng mai mốt cũng chẳng biết lấy gì để trả.

Trong những hộ trồng mía phải cào bỏ ở An Minh Bắc chắc có lẽ hộ ông Dương Văn Út là nhiều nhất. Với 9ha đất, ông Út lên liếp được 5ha đất trồng mía, ước tính sản lượng khoảng 800 tấn. “Lúc đầu vụ giá còn được 450 đồng/kg nhưng lại không có công nhân thu hoạch, đến khi giá giảm sâu tôi mới bán được 240 tấn thì thương lái ngưng mua vì chở đi bán bị thua lỗ. Hàng trăm tấn mía gây thối nước đen thui, gần tháng rồi mà vẫn chưa hết”, ông Út nói với giọng buồn rầu.  

Luẩn quẩn: trồng – chặt

Đây không phải lần đầu tiên nông dân vùng đệm U Minh Thượng nếm mùi thất bại khi nông sản rớt giá, bí đầu ra. Cây gừng từng được nông dân nơi đây gọi là cây tỷ phú khi giá củ gừng tươi lên tới hơn 30.000 đồng/kg. Chỉ cần trồng vài công gừng là thu về tiền tỷ. Thế nhưng, chỉ được thời gian ngắn thì giá gừng tụt dốc không phanh do phát triển quá nóng, dịch bệnh gia tăng. Sau đó là cây chuối, có thời điểm lên tới 6.000-7.000 đồng/nải, đã giảm sâu chỉ còn 2.000 đồng/nải nhưng thương lái mua rất kén hàng. Và năm nay đến lượt nông dân trồng mía nếm vị đắng do mất giá.

Ông Trần Văn Liệt còn gần 1 ha mía đã quá lứa, chuẩn bị trổ cờ nhưng không bán được

Ông Trần Quốc Cương, Phó trưởng ấp An Thạnh cho biết, tình hình nông sản rớt giá, nhất là mía nguyên liệu ế ẩm không bán được, buộc nông dân phải phá bỏ, đã kéo thu nhập của địa phương năm nay sụt giảm nhiều. Tình hình thời gian tới cũng không mấy sáng sủa khi vẫn chưa có mô hình nào chuyển đổi bền vững, nông dân vẫn luẩn quẩn với điệp khúc trồng – chặt.

Phó trưởng phòng NN-PTNT U Minh Thượng Phạm Duy Tân cho biết, diện tích mía của huyện là 4.040ha nhưng năm nay đã giảm chỉ còn 3.600ha. Nguyên nhân do giá mía thấp nên nông dân không còn mặn mà. “Riêng vụ mía năm rồi, do nhà máy ngưng sớm nên huyện còn khoảng trên 300ha thu hoạch không kịp. Chính quyền phải lên gặp nhà máy vận động để tiêu thụ hết cho dân”, ông Tân thông tin.

Theo Đ.T.CHÁNH (Nông Nghiệp)