Dân vận trong đồng bào dân tộc

27/11/2018 - 07:37

 - An Giang có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 114.128 người, chiếm 5,29% dân số của tỉnh. Để triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác dân vận đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong vùng dân tộc thiểu số.

Nâng cao đời sống đồng bào

Làng Chăm Đa Phước (An Phú), tập trung tại ấp Hà Bao 2, dọc Quốc lộ 91C và nằm cặp theo dòng sông Hậu, tiếp giáp từ cầu Cồn Tiên hướng về trung tâm huyện An Phú. Nơi đây có 2 thánh đường Hồi giáo (thánh đường EHSAN và thánh đường SUNNAH) là 2 công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng và trùng tu rất khang trang; là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm. Nơi đây còn là điểm đến của nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài, bình quân mỗi tháng có khoảng 3.000 lượt du khách đến với làng Chăm Đa Phước. Niềm vui còn được nhân lên khi Đa Phước được tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2018 nên mở ra cơ hội làm ăn mới cho bà con.

Trên căn nhà sàn nằm ven nhánh sông Hậu, tiếng máy may vẫn chạy đều đều. Mấy chị, em Rophiah (người Chăm) khéo léo chạy từng mũi chỉ trên nền vải màu để tạo hoa văn cho chiếc áo dài cổ truyền. Rophiah cho biết: “Cô gái Chăm ai cũng biết thêu thùa, may vá. Sản phẩm làm ra không chỉ để mặc, mà còn mang ra cửa hàng bán cho du khách. Công việc này rất thú vị, vừa giữ nghề truyền thống của mình, vừa có thêm thu nhập cho gia đình”. Ngược lên vùng Bảy Núi ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên), từ nhiều năm qua, nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số đã làm thay đổi hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện cho người dân làm ăn thoát nghèo. Gia đình anh Chau Danh (dân tộc Khmer) là một trong những hộ làm ăn hiệu quả, nhờ được hỗ trợ vốn để phát triển nghề truyền thống nấu đường thốt nốt nên cuộc sống gia đình ngày càng sung túc. Anh Chau Danh kể: “Lúc trước, cuộc sống rất bấp bênh, không có vốn liếng nên công việc nấu đường thốt nốt gặp khó khăn. Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn đầu tư và tìm đầu ra cho sản phẩm nên tôi mạnh dạn mở rộng quy mô. Mỗi ngày, mình vừa bán đường thốt nốt thành phẩm, vừa mở quán bán nước thốt nốt cho du khách nên thu nhập khá tốt”.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh An Giang triển khai nhiều chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Một cán bộ xã Đa Phước chia sẻ: Phát huy vai trò của mặt trận, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là vai trò của những người dân tộc thiểu số có uy tín trong công tác vận động quần chúng… giúp bà con thông suốt. Từ đó, đồng bào mạnh dạn làm ăn, sản xuất - kinh doanh, từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển địa phương. Cùng với đó, các ngành, nghề truyền thống được gìn giữ và phát triển, thu hút nhiều người cùng tham gia bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc.

Dân vận trong đồng bào dân tộc

Đời sống, hoạt động tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc luôn được quan tâm, chăm lo. Ảnh: H.H

Tiếp tục chăm lo

An Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 156 đơn vị hành chính cấp xã; có 18 xã biên giới, 38 xã dân tộc (Khmer 28 xã, Chăm 10 xã). Theo Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh có 29 dân tộc thiểu số, trong đó 3 dân tộc thiểu số có dân cư đông nhất là Khmer (91.138 người, tỷ lệ 4,19% dân số toàn tỉnh), Chăm (14.358 người, tỷ lệ 0,66%), Hoa (8.282 người) và 26 dân tộc thiểu số khác (tỷ lệ 0,37%) cùng chung sống đoàn kết. Thời gian qua, đồng bào các dân tộc tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước và Mặt trận các cấp phát động...

Để thực hiện tốt công tác dân tộc, tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, phát huy vai trò các vị chức sắc, chức việc trong các dân tộc với phương châm “Tranh thủ chức sắc, vận động tín đồ, xây dựng nòng cốt để giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo”. Từ đó, tạo thuận lợi trong tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Các cấp, ngành trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền và phát huy tinh thần yêu nước để đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tích cực các phong trào, như: “Dân vận khéo”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Quy chế dân chủ cơ sở”, công tác xã hội - từ thiện và thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó, nâng cao lòng tin giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật trong việc lợi dụng công tác dân tộc… góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người Hoa ở An Giang phần lớn sinh sống tập trung ở các khu vực thành thị tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu với khoảng 8.282 người. Cùng với các dân tộc anh em, người Hoa sống chan hòa, đoàn kết, giúp đỡ để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh…   

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH