Đất đai trở thành nguồn thu quan trọng

22/01/2019 - 07:32

 - Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị tỉnh ngày càng được chặt chẽ, đảm bảo quy định chung. Những nội dung toàn tỉnh đã đạt được, gồm: hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH12 của Quốc hội (tăng tỷ lệ cấp giấy lần đầu từ 94% đầu kỳ lên 95,6% diện tích). Đất đai trở thành nguồn thu quan trọng, mức đóng góp ngày càng tăng qua các năm, nay đạt xấp xỉ 10% tổng nguồn thu ngân sách.

Việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị ngày càng được chặt chẽ

Theo UBND tỉnh, tất cả các dự án có sử dụng đất đều được đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, để Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất xem xét, thẩm định về cơ sở pháp lý, nguồn vốn và tính khả thi thực hiện trước khi UBND tỉnh phê duyệt. Đối với các dự án có thu hồi đất và sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đều được HĐND tỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thông qua trước khi triển khai công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức rà soát quy hoạch đô thị không còn phù hợp với tình hình phát triển của địa phương để điều chỉnh, lập mới hoặc đề xuất hủy bỏ. Các đồ án quy hoạch đô thị sau khi được phê duyệt, giao Sở Xây dựng tham mưu khai chi tiết thành các nhiệm vụ cụ thể để đưa vào kế hoạch 5 năm và hàng năm, tổng hợp chung thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), làm cơ sở cho việc đánh giá thực hiện, triển khai quy hoạch của các ngành, địa phương.

Đặc biệt, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng bước được nâng cao tính liên kết, đồng bộ với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất, hạn chế được các chồng lấn, xung đột do trong quá trình lập quy hoạch đều tổ chức rà soát, đối chiếu và tích hợp các định hướng sử dụng đất của nhiều ngành, lĩnh vực. Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh ban hành 2 chỉ thị để xử lý những chồng lấn, xung đột giữa các loại quy hoạch; giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư, đất đai, góp phần kêu gọi, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, trong các đô thị, khu vực quy hoạch phát triển đô thị bị điều chỉnh bởi quy hoạch xây dựng khi xem xét cho chủ trương đầu tư. Nếu các dự án không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được duyệt, đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất, tiêu chí về môi trường… thì được xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư trước. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện vào kỳ quy hoạch gần nhất. Tất cả quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng có ảnh hưởng đến việc sử dụng đất khi có điều chỉnh, bổ sung phải lấy ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường về các chỉ tiêu sử dụng đất trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt… Bên cạnh đó, có sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với kế hoạch sử dụng đất. Việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trong kế hoạch sử dụng đất cơ bản đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất được duyệt, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Các khu đất công, đất bãi bồi được thống kê, lập danh mục quản lý nề nếp, khai thác theo đúng quy định pháp luật để tăng nguồn thu ngân sách. Chất lượng trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất được nâng lên, sát thực tiễn và đảm bảo tính đồng bộ với quy hoạch phát triển KTXH, quy hoạch ngành, lĩnh vực; phân bổ đất đai hợp lý, chủ động dành quỹ đất cho phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng khu công nghiệp. Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Bảng giá đất được quy định áp dụng giai đoạn 5 năm đảm bảo cho doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

“Hiện nay, còn khoảng 4,4% diện tích chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ yếu là các trường hợp: không đến đăng ký; chủ sử dụng đi làm ăn xa, không liên lạc được; đang lập thủ tục cấp giấy; đất tranh chấp, khu vực sạt lở, vùng đệm khu vực biên giới. Để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận lần đầu, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND cấp huyện rà soát, xây dựng kế hoạch và lập phương án xử lý đối với từng nhóm đối tượng sử dụng đất. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm quy định “Nhà nước được phép can thiệp vào các dự án khi đã có trên 80% diện tích đã thỏa thuận xong, phần diện tích còn lại người sử dụng đất không đồng ý thì phải thu hồi để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Sớm ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, tạo thuận lợi trong việc lập dự án mời gọi đầu tư xây dựng, nhất là trong lĩnh vực du lịch, hạ tầng kỹ thuật khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng ưu đãi hỗ trợ vốn đầu tư hoặc tạo quỹ phát triển để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư thông tin.

Từ năm 2014 đến nay, có 3 dự án khu đô thị đã được UBND tỉnh giao đất để thực hiện, tổng diện tích 97ha, số tiền sử dụng đất hơn 233 tỷ đồng. Tỉnh lập thủ tục thu hồi 511,79ha đất thực hiện công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hộivì lợi ích quốc gia, công cộng.


Bài, ảnh: GIA KHÁNH