Đặt stent thực quản – “trả người bệnh về sinh lý bình thường”

27/06/2019 - 07:59

 - Khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc) vừa thực hiện thành công nội soi đặt stent thực quản cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối. Đây là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện thủ thuật này tại bệnh viện. Kỹ thuật này là hướng điều trị phù hợp và làm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư thực quản lớn tuổi, quá khả năng phẫu thuật.

Ê-kíp thực hiện đặt stent thực quản cho bệnh nhân Hà Văn Ch

Gần 2 tháng trước, ông Hà Văn Ch. (88 tuổi, ngụ tại xã Đa Phước, An Phú) cảm giác nuốt khó và được bệnh viện chẩn đoán ung thư thực quản đoạn giữa, quá khả năng phẫu thuật. Gia đình đưa ông Ch. đi khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), kết quả cũng tương tự. Khi được bệnh viện đề nghị hóa trị, người nhà không đồng ý, xin cho ông về. Ngày 29-5, ông Ch. không nuốt được bất kỳ thức ăn gì, kể cả nước cũng nôn ra, phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh. Ông Ch. được chẩn đoán lại bằng nội soi thực quản. Để bệnh nhân có thể ăn uống được, 12 giờ ngày 31-5, Khoa Nội soi tiến hành làm thủ thuật nội soi đặt stent thực quản. Đến 16 giờ cùng ngày, bệnh nhân có thể uống nước và sữa dễ dàng. Ngày 17-6, sức khỏe ông Ch. đã ổn định, được cho xuất viện.

Chị Hà Thị N. (con ông Ch.) chia sẻ: “Lúc mới biết bị mắc bệnh ung thư, ba tôi rất bế tắc. Thời gian đầu, ông ăn được, nhưng ít. Từ khi ở Bệnh viện Chợ Rẫy về, ông không thể ăn được gì nữa, uống một miếng nước cũng bị trào ngược ra. Sức khỏe ông ngày càng suy kiệt, suốt nửa tháng không ăn uống, chỉ chống đỡ bằng việc truyền dịch tại nhà. Con cháu đưa ông xuống bệnh viện điều trị, nhưng cảm thấy không còn tia hy vọng gì nữa. Không ngờ, sau khi được đặt stent thực quản, ba tôi bắt đầu ăn được cả chén cơm, sức khỏe hồi phục 60-70% so với trước khi bệnh. Cả gia đình ai nấy đều vui mừng!”.

Ths.BS Nguyễn Ngọc Túy (Trưởng khoa Nội - Tổng hợp) thông tin: “Trước đây, bệnh nhân Ch. nhập viện nhiều lần, cơ thể suy kiệt, thành bụng lõm sâu. Bản thân bệnh nhân khá bi quan, không còn nỗ lực điều trị, không ham muốn sống vì cảm giác đau đớn, khó chịu. Khi được đặt stent, ông Ch. ăn được, cải thiện rõ rệt về thể chất lẫn tinh thần. Lúc đầu, can thiệp stent xong, ông có triệu chứng khó chịu đau vùng đặt stent, nên được hồi sức tích cực. Đến nay, bệnh nhân đã khỏe mạnh, ăn uống bình thường”.

Khoa Nội soi cho biết, với bệnh nhân ung thư thực quản không còn chỉ định phẫu thuật, đặt stent thực quản qua nội soi là một trong những biện pháp được lựa chọn phù hợp. Bằng cách tiến hành đưa stent kim loại vào vị trí hẹp của thực quản qua đường nội soi, với mục đích tái lập lại lưu thông của thực quản. Thực quản là nơi chuyển thức ăn xuống dạ dày nên khi bị ung thư thì bệnh nhân không còn ăn được. Truyền dịch chỉ là cung cấp một phần dinh dưỡng nên bệnh nhân sẽ ngày càng suy kiệt, có thể tử vong do thiếu năng lượng. Do đó, đặt stent thực quản qua khối u là phương pháp điều trị hỗ trợ trong ung thư thực quản giai đoạn cuối, giúp bệnh nhân dễ chịu hơn, ăn uống được qua đường miệng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kỹ thuật này hiện đang được thực hiện tại một số bệnh viện lớn như: Chợ Rẫy, Việt Đức, Bạch Mai, Viện 108… Bệnh nhân được nội soi đánh giá mức độ hẹp, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực nhằm đánh giá vị trí hình dạng, chiều dài và mức độ xâm lấn khối u ra xung quanh. Khi tiến hành đặt stent dùng ống soi để đánh giá về đặc điểm khối u (vị trí, kích thước). Tiến hành đưa stent vào vị trí cần đặt và điều chỉnh vị trí stent trên màn hình X-quang tăng sáng, rồi mở stent và điều chỉnh cho đúng vị trí. Thời gian thực hiện khoảng 30 phút, sau 12 giờ bệnh nhân có thể  uống sữa và ăn ít. Kỹ thuật đặt stent là phương pháp điều trị hỗ trợ cần thiết trong ung thư thực quản giai đoạn cuối, đem lại nhiều hy vọng sống khỏe mạnh cho bệnh nhân, đúng với câu nói “trả bệnh nhân về sinh lý bình thường”. Do đó, sẽ hạn chế tình trạng bệnh nhân tử vong vì suy kiệt trước khi khối u hoành hành.

“Hiện nay, Khoa Nội soi đã thực hiện nhiều kỹ thuật mới, trong đó có đặt stent thực quản, góp phần kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư thực quản không còn khả năng phẫu thuật. Chúng tôi khuyến khích các khoa, phòng tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới trong điều trị bệnh, tạo điều kiện cho người dân được chữa bệnh tại địa phương, không phải đi tuyến trên” - TS.BS Lữ Văn Trạng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh cho biết.

Ung thư thực quản là loại bệnh lý ác tính có tiên lượng bệnh xấu, đứng hàng thứ 4 sau các ung thư tiêu hóa về mức độ phổ biến tại Việt Nam (sau ung thư dạ dày, gan và đại trực tràng). Bệnh viện khuyến cáo: khi cảm thấy nuốt bị nghẹn, đau ngực mơ hồ, sau đó khó nuốt rồi tiến tới không nuốt được, nên nghĩ ngay đến ung thư thực quản. Bệnh có thể được phát hiện sớm bằng phương pháp nội soi dạ dày – thực quản, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.


Bài, ảnh: GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích