Dấu ấn châu Á tại World Cup 2018

05/07/2018 - 08:57

Các đại diện bóng châu Á đã có một mùa giải World Cup 2018 thành công, cho dù đến thời điểm này, các đội tuyển đều đã phải chia tay giải đấu. Sự thể hiện tại giải lần này đã cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của nền bóng đá luôn bị coi là “vùng trũng” của thế giới.

Bóng đá châu Á đến World Cup 2018 với 5 đại diện: Saudi Arabia, Australia, Iran, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dù phải ra về hay được ở lại, các đội bóng châu Á đều đã để lại không ít ấn tượng cho người hâm mộ. Với sự chuẩn bị kỹ càng và quyết tâm cao độ, họ đã tạo nên hàng loạt bất ngờ.

Đội tuyển Nhật Bản đã có một kỳ World Cup cực kỳ ấn tượng. 

Để lại dấu ấn sâu đậm nhất đó chính là đội tuyển Nhật Bản. Đội bóng Xứ sở Mặt trời mọc không chỉ là đại diện châu Á duy nhất giành được vé vào vòng 1/8. Tại đây, đối đầu với một đội bóng có dàn sao “khủng” là tuyển Bỉ, các cầu thủ Nhật Bản đã có một trận đấu mà đến người lạc quan nhất cũng không thể tưởng tượng ra được. Các Samurai xanh dù bị đánh giá thấp hơn rất niều nhưng lại là đội vươn lên dẫn trước 2-0 ở đầu hiệp 2. Tuy nhiên, đúng vào giai đoạn then chốt, hàng thủ Nhật Bản đã không thể đứng vững trước hàng loạt đợt tấn công khủng khiếp của người Bỉ và đành chấp nhận thua cuộc 2-3.

Không thể làm nên cơn địa chấn ở Rostov-on-Don, không thể hiện thực giấc mơ lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng tứ kết World Cup, chuyến phiêu lưu của đội bóng xứ phù tang khép lại, nhưng chắc chắn, dư âm của nó còn lan tỏa khắp làng túc cầu. Lối đá thông minh cùng tinh thần chiến đấu ngoan cường, tuyển Nhật Bản xứng đáng nhận được nhiều lợi ngợi khen khi chia tay ngày hội World Cup 2018.

Hàn Quốc tạo nên địa chấn khi đánh bại và khiến nhà ĐKVĐ Đứcphải dừng bước ngay tại vòng bảng.

Trước đó, đội tuyển Hàn Quốc dù không còn cơ hội đi tiếp nhưng với tinh thần thi đấu quật cường, đội bóng Xứ sở kim chi đã tạo nên địa chấn khi đánh bại và khiến nhà ĐKVĐ Đức rời giải ngay vòng bảng. Người ta mô tả chiến thắng của Hàn Quốc trước Đức chẳng khác gì CHDCND Triều Tiên quật ngã Italy ở vòng bảng World Cup 1966. Dù bị loại nhưng những người Hàn Quốc vẫn có quyền tự hào. Đó tựa như lời khẳng định của bóng đá châu Á.

Iran, Saudi Arabia và Australia cũng mang lại những cảm xúc đặc biệt trên đất Nga. Iran rời nước World Cup với 4 điểm trong tay cùng lối chơi đầy quả cảm và hợp lý ở bảng đấu có sự góp mặt của 2 “ông kẹ” là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nếu may mắn, họ đã có thể buộc Ronaldo và đồng đội phải về nước sớm. 

Saudi Arabia bị loại sớm chỉ sau 2 vòng đấu. Nhưng đội bóng này vẫn kịp đứng dậy và vượt qua Ai Cập của ngôi sao Salah trong lượt trận cuối. Còn Australia cũng có được những điểm số cho mình cùng tinh thần thi đấu đầy quả cảm và từng làm Pháp phải run rẩy.

Trong những năm gần đây, châu Á đã cung cấp cho các giải vô địch châu Âu một lượng lớn cầu thủ, thậm chí là trong các đội bóng hàng đầu của châu Âu. Chất lượng của các cầu thủ châu Á cũng được nâng lên đáng kể, một số cầu thủ còn là trụ cột ở các CLB châu Âu mà mình đang đầu quân.

Iran để lại hình ảnh của một đội bóng có tinh thần thi đấu kiên cường trên đất Nga.

Việc thi đấu thường xuyên và học hỏi từ các nền bóng đá hàng đầu thế giới đã trui rèn kỹ thuật cũng như tư duy chiến thuật cho các cầu thủ châu Á. Vấn đề về thể lực cũng được nâng lên đáng kể với những chuyên gia thể lực hàng đầu thế giới đang làm việc tại các CLB. Đồng thời, các cầu thủ nói trên cũng thường xuyên thi đấu tại Champion League, đấu trường danh giá và khốc liệt nhất châu Âu cũng như thế giới. Việc được cọ xát thường xuyên góp phần duy trì phong độ và nâng cao mọi kỹ năng của từng cầu thủ.

Bên cạnh sự tiến bộ cùa các cầu thủ, các huấn luyện viên của các đội tuyển ở châu Á đã có sự tiến bộ vượt bậc về cách vận dụng chiến thuật, áp dụng sự khéo léo, nhanh nhạy của người châu Á để bù đi sự thua sút về thể hình. Các chiến thuật cũng được áp dụng một cách phù hợp, tùy thời điểm mà phòng ngự chặt hoặc tổng tấn công. Họ đưa ra đối sách riêng với từng đối thủ, không bị dập khuôn trong một sơ đồ cứng nhắc.

Ở kỳ World Cup cách đây 4 năm, cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran đều phải dừng bước ngay ở vòng bảng mà không có bất cứ chiến thắng nào. Nhìn rộng ra, các đại diện châu Á có tới 16 trận liên tiếp không thắng ở World Cup (4 hòa, 12 thua). Nhưng World Cup trên đất Nga lần này đã chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ của các đại diện đến từ lục địa đông dân nhất thế giới.

Theo MINH ĐĂNG (Báo Tin Tức)