Dấu ấn “Năm dân vận chính quyền” 2018

26/12/2018 - 07:53

 - Thực hiện 2.883 mô hình “dân vận khéo”, vận động trên 1.800 tỷ đồng trong dân để xây dựng nông thôn, phát huy dân chủ cơ sở… là những kết quả nổi bật của “Năm dân vận chính quyền”2018 ở An Giang. Đây còn là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đẩy lùi tệ nạn xấu, tư tưởng lạc hậu.

Xin lỗi khi chậm trễ

An Giang là địa phương có dân số đứng đầu ĐBSCL và đứng thứ 6 cả nước (2,16 triệu người), có 4 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa), nhiều tôn giáo, di tích lịch sử, văn hóa nên có nguồn lao động dồi dào, văn hóa phong phú, đa dạng. Do vậy, công tác dân vận đòi hỏi phải khéo léo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm dân cư, văn hóa địa phương. Ngày 22-6-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 và những năm tiếp theo” để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của các cơ quan nhà nước gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 58-KH/BDV-BCSĐUBND, ngày 27-4-2018 về phối hợp thực hiện công tác “Năm dân vận chính quyền” 2018. Ngày 24-5-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1159/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch phát động thi đua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và công tác dân vận trong cơ quan nhà nước “Năm dân vận chính quyền” 2018 để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trong hệ thống các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành đều phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác dân vận; quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận. Các đơn vị, địa phương đều thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở gắn với cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng tác phong dân vận và phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC có liên quan người dân, doanh nghiệp. Thực hiện quy chế về “Xin lỗi cá nhân, tổ chức vì sai sót, quá hạn trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh An Giang” (ban hành theo Quyết định số 1311/QĐ-UBND, ngày 12-5-2016 của UBND tỉnh), đối với các trường hợp giải quyết TTHC trễ hạn (được đăng công khai hàng tháng trên Báo An Giang), các đơn vị phụ trách đều có thư xin lỗi người dân, doanh nghiệp. Những nỗ lực này đã kéo cả 3 chỉ số PAPI (quản trị và hành chính công cấp tỉnh), PAR INDEX (cải cách hành chính) và PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2017 của An Giang tăng điểm, cải thiện thứ hạng đáng kể so năm 2016.

Phát huy sức mạnh cộng đồng

Với một địa phương có nhiều tôn giáo, dân tộc như An Giang, công tác dân vận được triển khai đến tận cơ sở thờ tự, cộng đồng dân cư. “Đối với cấp huyện, đã xây dựng được lực lượng nòng cốt hơn 800 người tham gia công tác dân vận, ở cấp xã cao hơn gấp nhiều lần. Trong đó có khoảng 700 lực lượng nòng cốt cấp huyện là chức sắc, chức việc trong các tôn giáo cùng 114 người có uy tín trong khu dân cư. Đây là lực lượng trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tình hình an ninh trật tự ở địa phương, kịp thời thông báo cho chính quyền những vấn đề phát sinh trong cộng đồng để phối hợp giải quyết kịp thời, góp phần ổn định từ cơ sở”- Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Tiếc Hùng thông tin.

An Giang thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền

Ông Hùng cho biết thêm, thời gian qua, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều duy trì mô hình Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND cấp xã đối thoại hàng tháng với người dân; Bí thư Huyện, Thị, Thành ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện đối thoại mỗi quý/lần để lắng nghe, nắm bắt và giải quyết các vấn đề ở địa phương, đặc biệt là công tác tôn giáo, dân tộc. “Các phong trào thi đua “Dân vận khéo”  gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) tiếp tục được đẩy mạnh ở địa phương. Năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.883 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” trên 4 lĩnh vực gồm: 652 mô hình phát triển kinh tế, 1.545 mô hình văn hóa - xã hội, 383 mô hình đảm bảo quốc phòng - an ninh và 303 mô hình xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đó, đã thu hút đông đảo cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đóng góp 1.870 tỷ đồng xây dựng các công trình cầu, đường, cất nhà, hỗ trợ người nghèo, khuyến học, khuyến tài… Từ nguồn lực đóng góp của cộng đồng, tín đồ tôn giáo, có hơn 1.000 căn nhà Đại đoàn kết đã được xây dựng. Trên địa bàn tỉnh có 165 xã, phường, thị trấn thì đã trang bị được 170 xe chuyển viện miễn phí”- ông Nguyễn Tiếc Hùng chia sẻ.

Mới đây, trong buổi làm việc với Tỉnh ủy An Giang, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đánh giá cao kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2018 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở này, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy dân chủ, lắng nghe và tham khảo ý kiến nhân dân trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, tạo sự đồng thuận để cùng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tương xứng với truyền thống tự hào của An Giang.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN